Phụ nữ xã Cảm Ân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
(LĐXH)- Với nhiều phong trào “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường và phong trào Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, thời gian qua Hội LHPN xã Cảm Ân, huyện Yên Bình - tỉnh Yên Bái đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Xã Cảm Ân, huyện Yên Bình hiện có 790 hộ sinh sống thì có 147 hộ thuộc diện nghèo, trong đó có 62 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, chiếm 42,1% trong tổng số hộ nghèo, đời sống nhân dân xã còn nhiều khó khăn.
Để giúp phụ nữ thoát nghèo thì phải có nguồn lực, Hội đã đẩy mạnh chương trình phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện củng cố kiện toàn các tổ tiết kiệm & vay vốn, tín chấp ủy thác cho 414 hộ hội viên vay vốn với số tiền trên 11,5 tỷ đồng, thông qua 9 tổ tiết kiệm – vay vốn để giúp hội viên phát triển kinh tế. Với mục đích nâng cao kiến thức và khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất Hội thường xuyên phối hợp với khuyến nông hướng dẫn KHKT cho hội viên, phụ nữ với hình thức tổ chức tập huấn chuyển giao thông qua các kỳ sinh hoạt chi, tổ phụ nữ…(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Hội đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ thực hành tiết kiệm, làm theo lời Bác, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, phong trào đã được tuyên truyền, triển khai sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ và nhận được sự tham gia nhiệt tình của hội viên, với các hình thức tiết kiệm như: Tổ góp vốn xoay vòng, tiết kiệm từ 5.000 đồng/hội viên/tháng… Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm tại các chi hội là 64,5 triệu đồng tạo nguồn vốn tại chỗ giúp 30 hội viên nghèo vay để phát triển kinh tế.
Toàn xã hiện có 57 mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, trong đó nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, điển hình như mô hình sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng của chị Nguyễn Thị Thoa tại thôn Tân Yên, với bản tính cần cù, chịu khó, năng động, xác đinh hướng đi đúng, năm 2015 từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội cộng với nguồn tích lũy của gia đình chị đã đầu tư mô hình làm ván bóc và chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu từ 300 – 350 triệu đồng, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 - 20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Hội đã luôn tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của xã, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban Chấp hành rà soát số hội viên phụ nữ nghèo, làm chủ hộ để có kế hoạch giúp đỡ. Các nhóm sản xuất được hình thành và phát triển khá hiệu quả như: Nhóm trồng dâu nuôi tằm, sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng, chăn nuôi, sản xuất gạch không nung, cung ứng vật liệu xây dựng...”
Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo đến quyền lợi thiết thực của hội viên, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nhận được sự giúp đỡ của tổ chức Hội… là chương trình hành động của Hội LHPN xã Cảm Ân trong thời gian tới.
Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, Hội LHPN xã Cảm Ân đã trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái trong các tầng lớp phụ nữ. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em phấn khởi tự tin, vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của xã và huyện./.
PV
TAG: