Thêm vào đó, trước vấn nạn này, người lớn chỉ biết lo lắng và ra sức bảo vệ con trẻ mà quên không dạy con biết cách tự vệ, để đến nỗi nhiều trẻ bị lạm dụng mà không hề hay biết từ ngày này qua ngày khác.
TS. Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, phụ huynh nên dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cần lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo phản xạ. Theo đó, cha mẹ cần dạy con từ 3 tuổi về cách phòng chống xâm hại tình dục theo khả năng tiếp nhận của trẻ. Các nội dung cần dạy là con muốn ra khỏi nhà cần xin phép người lớn. Cha mẹ nhờ ai đón hộ nên có “mật mã” để trao đổi với trẻ, tránh bắt cóc. Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo người lớn, công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này. Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối...
Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía chú công an (nếu có) nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi. Trẻ bị ai đó bắt thì không nên hét “cứu con với” mà hét “cháy nhà” sau đó vùng bỏ chạy.
Bố mẹ cần tập luyện cho con dưới tình huống giả thiết các con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu, thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại, với tinh thần để học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái. Trên thực tế, người Việt Nam có thói quen xấu khi coi trẻ em như đồ chơi. Họ thường khoe, trêu ghẹo, cấu véo cơ thể của trẻ và coi đó là hành động bình thường. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, đây chính là xâm hại. Hành động này thường xuyên khiến trẻ không thể phân biệt tốt - xấu, nhầm lẫn là biểu hiện của tình yêu thương. Để bảo vệ con tốt hơn, phụ huynh cần thay đổi thói quen này. Hãy dạy trẻ nếu có ai đề nghị con nhìn vào hay chạm vào “vùng kín” của họ, hãy quyết liệt từ chối và mách lại với bố mẹ điều đó. Hơn hết hãy dạy trẻ không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những con “yêu râu xanh”.
Những dấu hiệu để nhận biết con có bị xâm hại tình dục đó là hoảng hốt, sợ hãi, đôi khi các cháu gần như tê liệt cảm xúc vì quá tổn thương. Các cháu sẽ khóc thét lên khi có ai đó động vào người, đặc biệt là gần phần nhạy cảm. Đó là những biểu hiện rõ nét nhất của việc bé đã bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, việc xác định chính xác cần có sự can thiệp chuyên môn của bác sĩ.
Trẻ bị xâm hại thường sợ hãi không dám kể chuyện đã xảy ra vì sợ gặp rắc rối. Thế nên đây chính là điểm yếu mà tội phạm ấu dâm nắm được để uy hiếp và lạm dụng trẻ dễ dàng. Để tránh việc trẻ bị xâm hại, các bà mẹ nên động viên trẻ hãy sớm chia sẻ với bố mẹ những điều bất thường trong cơ thể. Hãy luôn chủ động và thoải mái trả lời những câu hỏi thắc mắc về giới tính của trẻ.
Việc xây dựng những kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ em phải làm ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Bố mẹ hãy dạy trẻ trai không được đi chung nhà vệ sinh với trẻ gái. Bên cạnh đó, hãy luôn chủ động và thoải mái trả lời những câu hỏi thắc mắc về giới tính của trẻ, tránh giấu giếm, trốn tránh để trẻ hoang mang về những thông tin quá sức hiểu biết của chúng.
Trần Huyền