Phong trào “người tốt, việc tốt” đã trở thành nét đẹp tiêu biểu, mang bản sắc riêng của Thủ đô
(LĐXH)- Nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024), Trung tâm Thông tin - Truyền thông (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội tổ chức Giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Đồng chí Nguyễn Thế Huân, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu.
Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thế Huân cho biết, chương trình giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại” góp phần giáo dục truyền thống thi đua ái quốc, lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng, xã hội; từ đó khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024.
Tại chương trình giao lưu, các khách mời đã trao đổi, chia sẻ về đam mê, tâm huyết cống hiến, quá trình học tập, lao động của bản thân, góp phần lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ.
Đó là nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã hơn 60 năm gìn giữ và bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống. Nhằm quảng bá, giới thiệu về dòng tranh dân gian của Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế, ông đã tích cực tham gia các chương trình triển lãm tại Nhật Bản, Hội thảo tranh giấy dân gian châu Á tại Mỹ…, đồng thời trưng bày cố định tại số 28 Hàng Buồm và 87 phố Mã Mây. Dù đã ngoài 75 tuổi, ông vẫn miệt mài tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị và chú tâm truyền nghề.
Đó là “cây sáng kiến” Trần Quốc Hai của Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật (huyện Thanh Oai). Anh có hàng chục sáng kiến lớn nhỏ, làm lợi cho công ty hàng chục triệu đồng mỗi năm. Anh trở thành động lực cho nhiều công nhân, lao động khác, góp phần lan tỏa phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.
Còn sinh viên Nguyễn Đức Thiện, chuyên ngành Sáo trúc, Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tuy không thể nhìn thấy ánh sáng, nhưng vẫn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, trở thành sinh viên tài năng của nhà trường, được trao học bổng mang tên Giáo sư Trần Văn Khê. Với sự cố gắng vươn lên không ngừng, Nguyễn Đức Thiện vừa được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương là một trong 35 thanh niên khuyết tật tiêu biểu, cống hiến sức trẻ cho các hoạt động vì cộng đồng trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023. Thiện còn là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt - câu lạc bộ đàn, hát xẩm đầu tiên của người khiếm thị tại Việt Nam. Thiện đã cùng thầy giáo thành lập Mái ấm Đông Đô và ban nhạc người khiếm thị Nắng mới để thỏa mãn đam mê âm nhạc, đồng thời giúp đỡ những người khiếm thị khác có cơ hội học nhạc, chơi nhạc và tự nuôi sống bản thân.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên viên Ban Tiếp công dân, thuộc Văn phòng HĐND - UBND quận Nam Từ Liêm giao lưu tại chương trình.
Hay bà Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên viên Ban Tiếp công dân Văn phòng HĐND - UBND quận Nam Từ Liêm, luôn mẫn cán, trách nhiệm, vững chuyên môn, đặc biệt là phong thái, kỹ năng ứng xử với các tình huống khi tiếp dân rất khéo léo, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao trong công việc. Bà được mệnh danh là “cuốn từ điển sống” bởi nắm chắc kiến thức pháp luật ở nhiều lĩnh vực.
Bà Hiền chia sẻ về động lực gắn bó với công việc: “Mình cứ cố gắng làm tốt nhất có thể, cống hiến hết mình, chắc chắn đến một ngày nào đó mọi người sẽ biết. Đặc biệt, người dân sẽ ghi nhận. Bản thân mình cũng cảm thấy vui vì đã làm được việc gì đó giúp cho mọi người...”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của cả dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi...”. Từ lời dạy của Người, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã tích cực duy trì phát động và triển khai phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”. Phong trào được hưởng ứng, lan tỏa, trở thành động lực quan trọng, kịp thời động viên, cổ vũ người lao động tích cực thi đua lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo; từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng công việc, hiệu quả công tác của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Kỹ thuật viên Trần Quốc Hai, Công ty TNHH sản xuất Nhựa Việt Nhật giao lưu tại chương trình.
Một trong những tấm gương sáng của phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đó chính là “cây sáng kiến” Trần Quốc Hai, kỹ thuật viên của Công ty TNHH sản xuất Nhựa Việt Nhật, huyện Thanh Oai.
Anh Hai chia sẻ: "Sáng kiến mà tôi muốn chia sẻ để mọi người dễ hiểu và cũng là sáng kiến đáng nhớ nhất với tôi đó là chiếc máy cắt cước bàn chải. Công ty đã đầu tư mua máy cắt từ Trung Quốc về nhưng nó vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào công sức bằng việc công nhân phải đặt lên rãnh kẹp rồi dùng tay vừa tỳ vừa đẩy lấy sản phẩm ra. Do lực tì giữ không đều và đẩy nhanh chậm không cố định nên sản phẩm không phẳng, tôi quyết định thay thế bằng máy tự động.
Đầu tiên là công nhân đặt sản phẩm lên rồi giẫm chân công tắc xi-lanh 1 sẽ kẹp chặt sản phẩm lại đồng thời xi-lanh 2 sẽ đẩy sản phẩm đi hết hành trình chạm vào công tắc ngắt hành trình xi-lanh 2 lùi về thì xi-lanh 3 xuống giữ sản phẩm lại không có gì giữ sản phẩm sẽ tự rơi xuống. Máng hứng và trôi vào sóng đựng hàng tất cả các hành trình của xi-lanh đều được điều khiển bằng các rơle trung gian. Các công tắc hành trình sử dụng máy sẽ giảm được tối đa thao tác thừa và tính ổn định về năng suất, chất lượng, không bị phụ thuộc vào sức người lúc khỏe, lúc mỏi mệt. Từ đó, nâng cao năng suất từ 3 - 4 lần.".
Em Đỗ Trà My, học sinh lớp 6A18, Liên đội phó Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Phần giao lưu với học sinh Đỗ Trà My, Trường THCS Nghĩa Tân, được biết Trà My là một học sinh giỏi, có năng khiếu nghệ thuật vượt trội, năng nổ trong các hoạt động Đội và phong trào thanh thiếu nhi; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội. Em đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi: Giải Vàng tại Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2023; giải Nhì tại Liên hoan ca khúc măng non năm 2022; giải Nhất cuộc thi “Sao Việt toả sáng”; giải Nhất kể truyện Điện Biên Phủ năm 2022 cấp thành phố; giải Nhất cuộc thi Nét đẹp thầy trò 2023; giải thưởng Nghệ sĩ tiêu biểu 2023…
Trà My chia sẻ: "Động lực để con hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và các hoạt động nghệ thuật cũng như hoạt động cộng đồng xã hội, trước hết là vì niềm đam mê học tập và những ước mơ trong tương lai đã giúp con có những động lực cố gắng hết mình để sau này có một tương lai tốt đẹp. Đó cũng là những món quà ý nghĩa con sẽ dành tặng cho ba mẹ và thầy cô của con vì đã luôn nuôi dưỡng, yêu thương, dạy dỗ con trong học tập cuộc sống của mình ạ.".
Chương trình còn được nghe Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên (huyện Chương Mỹ) Lê Thị Tượng chia sẻ những kỷ niệm đầy xúc động trong hành trình “trồng người”, góp thành tích trong 41 năm xây dựng và phát triển của nhà trường; nghe em Đỗ Trà My, học sinh lớp 6A18, Liên đội phó Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chia sẻ về việc cân đối thời gian để vừa là học sinh giỏi vừa năng nổ trong các hoạt động Đội và phong trào thanh, thiếu nhi.
6 tập thể, cá nhân tham gia chương trình giao lưu đều là những tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, đã được thành phố Hà Nội cũng như các bộ, ban, ngành, các cấp khen thưởng trong năm 2023 và 2024./.
Mỹ Linh