Đến năm 2020 tất cả các xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một người làm công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện đề án thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em, tập trung kiện toàn ban chỉ đạo, ban điều hành và nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã.
Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện đề án bố trí, nâng cao năng lực, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp xã (theo quy định của Luật trẻ em) để đến năm 2020 tất cả các xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một người làm công tác bảo vệ trẻ em.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TBXH, trong thời gian vừa qua, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp, nghiêm trọng.
Tại một số địa phương, việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ, gia đình có trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng chưa được triển khai kịp thời.
Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra rằng,việc tiếp nhận, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em chưa được ưu tiên, thậm chí kéo dài, khiến các gia đình lo lắng và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chính vì vậy, tại công văn nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các địa phương ưu tiên phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em cho các sở, cơ quan, đơn vị, UBND các cấp.
Thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em.
Tuyên truyền về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 của Bộ để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Theo Chinhphu.vn