Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em: cần sự phối hợp từ nhiều phía
09:36 AM 04/05/2020
LĐXH - Thống kê tại thành phố Hà Nội, mỗi năm vẫn có khoảng 90.000 trường hợp mắc tai nạn thương tích (TNTT), trong đó có gần 700 ca tử vong với những nguyên nhân khác nhau. 70% số ca tai nạn thương tích được sơ cấp cứu trước khi chuyển đến các cơ sở y tế. Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến TNTT ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và trẻ vị thành niên thuộc tuổi học sinh bị tử vong do tai nạn thương tích (TNTT), trong đó có 90% bị TNTT bất ngờ không chủ ý. Các TNTT này xảy ra ngay ở trường học hoặc trên đường đến trường.

Hoạt cảnh tuyền truyền phòng chống tai nạn thương tích trong trường học

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cũng có hơn 370.000 trẻ em là học sinh bị TNTT, trong đó những trường hợp bị té ngã từ trên cao, đuối nước, tai nạn giao thông... là các tình huống thường gặp. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do học sinh thiếu kỹ năng bảo vệ. Cha mẹ học sinh, người lớn, thầy cô giáo bất cẩn, không thận trọng trong việc chăm sóc. Môi trường sống ở gia đình và học tập tại trường học không bảo đảm an toàn... Thực tế một số TNTT xảy ra đã gây nhiều lo lắng cho phụ huynh như các trường hợp học sinh bị ngã rơi từ tầng cao, bị bút chì đâm thủng mông do ngồi xuống ghế trong lớp học, nuốt những viên bi nam châm gây tắc ruột, hóc dị vật ở đường hô hấp... TNTT rất dễ xảy ra đối với học sinh vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm nhưng chưa có nhiều kỹ năng để phòng tránh. Phần lớn các trường hợp TNTT gặp phải thuộc loại không chủ định như tai nạn giao thông, đuối nước, té ngã, ngộ độc thức ăn, cháy bỏng... Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo các gia đình, cộng đồng phải chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đối với trẻ em.

Thống kê tại thành phố Hà Nội, mỗi năm vẫn có khoảng 90.000 trường hợp mắc TNTT, trong đó có gần 700 ca tử vong với những nguyên nhân khác nhau. 70% số ca tai nạn thương tích được sơ cấp cứu trước khi chuyển đến các cơ sở y tế. Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến TNTT ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.

Trong nhiều trường hợp TNTT xảy ra có thể được kiểm soát nếu cha mẹ, người chăm sóc trẻ để ý và có biện pháp phòng tránh ngay từ đầu. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, để phòng đuối nước cho trẻ em, trẻ cần được người lớn trông nom, quan tâm, chăm sóc. Những trẻ lớn hơn cần được hướng dẫn để không chơi, tắm tại những nơi cấm bơi, lội, nơi có biển cảnh báo nguy hiểm. Khi cho trẻ bơi phải có người lớn biết bơi đi kèm. Bên cạnh đó, trẻ cần được tập luyện kỹ năng bơi lội, trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước khi gặp nạn nhân bị đuối nước, biết cách sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. Các gia đình nên che đậy kín dụng cụ chứa nước khi không sử dụng, lắp rào chắn xung quanh khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước. Nhà trường và chính quyền địa phương cần hướng dẫn, tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, tạo môi trường an toàn cho trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ đuối nước, đặc biệt là trong mùa hè.

Nhằm hạn chế tình trạng hóc, sặc dị vật, bác sĩ khuyến cáo, người lớn không nên để trẻ em cầm các loại đồ vật nhỏ khiến trẻ dễ bỏ vào miệng; gỡ bỏ các hạt, mảnh xương… trong thức ăn, trước khi cho trẻ ăn. Thêm vào đó, người thân trong gia đình không để trẻ chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ.

Trường hợp không may trẻ em bị hóc dị vật, các bác sỹ lưu ý phụ huynh nên khuyến khích trẻ ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần ép tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực.

Với trường hợp trẻ bị vật nuôi cắn, những người chứng kiến hãy làm sạch vết thương cho trẻ dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh; dùng thuốc sát trùng để làm sạch vết thương sau đó hãy băng bó vết thương và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Cha mẹ, người chăm sóc trẻ là những người gần gũi nhất bảo vệ trẻ trước những rủi ro xung quanh

Trên thực tế, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương cả về thể chất, tinh thần. Hy vọng, các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng cùng chủ động phòng, chống TNTT cho trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ phát triển.

Trần Huyền


TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24