Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Phòng chống bạo lực học đường dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội trẻ em
07:06 PM 28/09/2024
(LĐXH) - Trong khuôn khổ Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" năm 2024, chiều ngày 28/9, tại Toà nhà Quốc hội, 306 đại biểu thiếu nhi được chia thành 12 tổ, tham gia thảo luận về 2 nhóm chủ đề gồm: Phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường.

Dưới sự điều phối của Tổ trưởng, Tổ phó, các ý kiến thảo luận tại Tổ sẽ được thư ký tổ dưới sự hướng dẫn của Dẫn trình viên tổng hợp ý kiến, ghi biên bản Phiên thảo luận. Tổ trưởng kết luận sơ bộ nội dung thảo luận của mỗi chủ đề; đồng thời trình bày dẫn giải các vấn đề tiếp thu để báo cáo (trong Phiên họp toàn thể).

Về bạo lực học đường, đến thời điểm này, vấn đề này dần trở thành thực trạng nhức nhối của xã hội, thể hiện không chỉ bạo lực thể xác mà còn là gây áp lực và bạo lực về cả tinh thần thông qua lời nói, mạng xã hội, gây lo lắng và hậu quả nghiêm trọng đến các đối tượng liên quan. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính từ năm 2021 đến nay cả nước có hơn 700 vụ việc bạo lực học đường.

Các đại biểu trẻ em đã rất thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến đột phá về các chủ đề thảo luận

Để giải quyết, cải thiện vấn về bạo lực học đường, đại biểu trẻ em Nguyễn Thái Bình Nhi (tỉnh Khánh Hòa) đề xuất nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục trong nhà trường thông qua các video clip minh hoạ về hậu quả của bạo lực học đường, xây dựng hệ thống đường dây, phòng tư vấn để lắng nghe những tâm tư và kịp thời xử lí các trường hợp bạo lực trong nhà trường của học sinh. Ngoài ra cần phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, tích cực đẩy mạnh các hình ảnh tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng các video, kết hợp với các KOL, KOC để đẩy mạnh truyền thông ngăn chặn bạo lực học đường, quản lí các nội dung đăng tải trên mạng, không đăng tải các nội dung bảo lực, tăng cường kiểm duyệt nội dung, bài viết trên mạng xã hội. Đại biểu Nguyễn Thái Bình Nhi nói.

Đại biểu Bùi Khánh Ly (tỉnh Nam Định) đề xuất: Cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc giám sát và giáo dục học sinh cùng đó các chương trình giáo dục về kỹ năng sống cần được lồng ghép vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh có khả năng tự giải quyết xung đột một cách ổn thoả. Đồng thời, theo đại biểu Bùi Khánh Ly, việc kết hợp giữa giáo dục kĩ năng sống, sự tham gia chặt chẽ của phụ huynh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại và cách phòng tránh của bạo lực học đường sẽ giúp giảm thiểu tình trạng này. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện mà còn tạo ra môi trường học đường an toàn và thân thiện hơn.

Đồng quan điểm với các ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Châu (tỉnh Sơn La) cho biết: Ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện phát triển về giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý, vì vậy dẫn đến việc các bạn học sinh ở vùng sâu vùng xa có xu hướng bạo lực khá nhiều, do các bậc phụ huynh thường phải đi làm xa hoặc làm nông nghiệp nặng nhọc ít có thời gian để giám sát và quan tâm đến con cái. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ em bị ảnh hưởng bởi môi trường xấu hoặc các hành vi bạo lực mà không có sự can thiệp kịp thời.

Xây dựng tài liệu hướng dẫn bằng các bộ nhận diện phù hợp cho các bậc cha mẹ, trẻ em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, tăng cường kiểm soát sàng lọc các phim ảnh có nội dung bạo lực để tránh học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực… Đây là một trong những giải pháp căn cơ đại diện trẻ em tỉnh Sơn La đưa ra.

Đại biểu trẻ em Lê Diệp Khánh Chi (tỉnh Thanh Hoá) điều khiển phiên thảo luận của Tổ thảo luận số 3 về phòng chống tác hại của thuốc lá

Tại Phiên thảo luận Tổ về chủ đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”, các đại biểu trẻ em đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này. Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề xuất cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các bộ, ngành để cấm bán thuốc lá điện tử và các chất kích thích cho trẻ vị thành niên; kiểm soát chặt chẽ hơn việc quảng cáo thuốc lá và các chất kích thích trên mạng xã hội... Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường và nhất là các em học sinh về tác hại của thuốc lá và các chất kích thích.

Đại biểu trẻ em Nguyễn Hà Anh (Hà Nội) cho rằng, thực tế một số học sinh còn tìm đến các chất kích thích như ma túy tổng hợp, cần sa và các chất gây nghiện khác. Điều này dẫn đến giảm hiệu suất học tập, thậm chí gây ra các hành vi vi phạm pháp luật. Đại biểu Hà Anh nêu rõ: “Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá và là giải pháp hữu hiệu đã được Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các quốc gia áp dụng”. Đại biểu đề xuất Bộ Tài chính cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn sự gia tăng sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ.

Đại biểu trẻ em Vũ Hoàng Phong (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, trên phạm vi toàn quốc, khoảng 10% học sinh THCS và 20% học sinh THPT đã từng sử dụng thuốc lá, chất kích thích. Tỉ lệ các học sinh sử dụng chất kích thích như cần sa có xu hướng tăng với khoảng 2-3% học sinh đã từng sử dụng. Để phòng, chống tác hại của thuốc lá và các chất kích thích trong môi trường học đường, cần tăng cường giáo dục sức khỏe thông qua các chương trình sinh động, hấp dẫn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa lành mạnh hoặc khuyến khích sự tham gia của gia đình cũng rất quan trọng. Ngoài ra cần xây dựng môi trường an toàn, thiết lập quy định nghiêm ngặt và liên kết với cộng đồng để nâng cao nhận thức; theo dõi và can thiệp kịp thời nếu học sinh có dấu hiệu sử dụng các chất kích thích và thuốc lá trong môi trường học đường.

Đặc biệt, đại biểu Vũ Hoàng Long đã nhấn mạnh thực trạng học sinh ở vùng sâu, vùng xa đang có xu hướng sử dụng chất kích thích ngày càng nhiều. Do đó cần có các giải pháp quan trọng hơn đối với các trẻ em ở vùng sâu, vùng xa; có các giải pháp sáng tạo và tích cực từ giáo dục và xã hội tạo ra môi trường an toàn, kết nối và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động lành mạnh, qua đó giúp nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe.

Các đại biểu trẻ em cũng đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền, không chỉ trong các cơ sở giáo dục mà còn thông qua việc sử dụng công nghệ số và các mạng xã hội chính thống; xây dựng các chuyên đề về phòng chống bạo lực học đường với những phương pháp sáng tạo và đổi mới; kết hợp giữa giáo dục kỹ năng sống và sự tham gia chặt chẽ của xã hội sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng trên, giúp học sinh được phát triển sức khoẻ toàn diện và xây dựng môi trường lành mạnh.

Đồng ý với các đề xuất trên, đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên (Hà Tĩnh), đề xuất các biện pháp xây dựng môi trường không khói thuốc, cấm buôn bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, và tăng thuế đối với ngành công nghiệp thuốc lá và rượu bia. Ngoài ra, nhà trường có thể phát triển một trò chơi mô phỏng hoặc mô hình trình diễn bằng kính thực tế ảo, giúp học sinh hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá và các chất kích thích.

Đăng Doanh

 

TAG: Quốc hội trẻ em
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh