Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động
10:20 AM 25/08/2023
(LĐXH)- Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.


Tham dự Hội thảo có ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN); bà MiHyung Park, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam; đại diện các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các cơ sở GDNN và các đơn vị liên quan.
Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường GDNN” giữa Tổng cục GDNN, Tổ chức IOM tại Việt Nam và các đơn vị liên quan được triển khai từ năm 2021; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động tại Việt Nam trong tương lai, hướng tới di cư an toàn, bền vững.
Các đại biểu dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, cho biết: Việt Nam được coi là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia và có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng thực tế cho thấy, kỹ năng số của lực lượng lao động Việt Nam còn yếu, chưa sẵn sàng cho cách mạng 4.0. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi kỹ năng số trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả GDNN nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số để cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động của dân số trong độ tuổi lao động, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Thời gian qua, GDNN Việt Nam mặc dù đã phát triển, chất lượng đào tạo được nâng cao, hình ảnh, vị thế của GDNN ngày càng được khẳng định trong khu vực và trên thế giới nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Để giải quyết thách thức về nguồn nhân lực thiếu hụt kỹ năng trong bối cảnh nền kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, bên cạnh nguồn ngân sách của nhà nước, sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các đối tác, các tổ chức quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng.
“Tổng cục GDNN ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ, phối hợp của IOM tại Việt Nam trong công tác phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động. Hơn hết, Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường GDNN” đã bước đầu hỗ trợ giải quyết các nhu cầu kỹ năng trước mắt của học sinh, sinh viên và lực lượng lao động hiện tại” - Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, phát biểu.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng
Theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng: Từ những phản hồi tích cực của người học trong quá trình thực hiện Dự án, thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục phối hợp với IOM và các đối tác liên quan phổ biến Nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn và Tài liệu tham khảo Hướng dẫn chuyển đổi số trong GDNN tới các cơ sở GDNN trong toàn hệ thống và lực lượng lao động.
Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quyết định 2222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và trình xây dựng, phê duyệt Đề án Nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động Việt Nam.
Tại Hội thảo, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyung, chia sẻ: IOM tự hào về dự án phối hợp cùng Tổng cục GDNN, đặc biệt là Nền tảng đào tạo trực tuyến đã giúp cho những người lao động có tay nghề thấp và lao động di cư cải thiện các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và kỹ năng số.
Từ đó, việc cải thiện kỹ năng làm giảm khả năng dễ bị tổn thương, giúp người lao động có tay nghề thấp và lao động di cư xác định hướng đi tốt hơn, cũng như tăng khả năng thích ứng của họ trong môi trường kỹ thuật số, hướng tới phát triển bền vững.
Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyu, nhấn mạnh: Đầu tư phát triển kỹ năng ở Việt Nam rất quan trọng, giúp tăng khả năng tìm việc làm và tăng năng suất lao động, góp phần đưa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế thế giới.
Trưởng phái đoàn IOM Park Mihyung cũng cho biết thêm, nền tảng đào tạo trực tuyến chỉ là một trong những ví dụ điển hình về sự hợp tác của IOM với các cơ quan Chính phủ và khối tư nhân để tìm ra các giải pháp mới.
Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyu
Thời gian tới, IOM sẽ tiếp tục đồng hành cùng công tác GDNN tại Việt Nam, nhất là Tổng cục GDNN, trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới tới năm 2030, để có thể trở thành quốc gia hàng đầu về GDNN trong khu vực ASEAN đến năm 2045.
Sau hơn hai năm triển khai, Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường GDNN” đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng như: Nền tảng học tập trực tuyến đã thu hút hơn 15.100 người dùng kể từ khi ra mắt; gần 3.000 học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp được truyền thông, hướng dẫn học tập trên Nền tảng; 31.100 lượt hoàn thành các khóa học và gần 26.000 chứng chỉ đã được cấp cho các khóa học về kỹ năng số đã góp phần nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là những người lao động di cư tại các khu công nghiệp.
Những kết quả đó đã khẳng định tiềm năng của Nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn trong việc cao năng lực và kết nối giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp nhằm trang bị cho người học kỹ năng số để tiếp cận kiến thức, thông tin, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong GDNN, tiến tới xây dựng xã hội số, kinh tế số và văn hóa số, hướng đến di cư an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, Tài liệu tham khảo Hướng dẫn chuyển đổi số trong GDNN đã cung cấp những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, là cơ sở để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian tới.

Chí Tâm

TAG: lần thứ tư
Tin khác
Sinh viên Việt có thêm một lựa chọn học chuyển tiếp tới nhóm đại học của Stephen Hawking, Malala Yousafzai
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long: Khai giảng năm học mới 2024-2025
Quảng Ninh gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp
VRG vinh danh nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ
240 thí sinh tham dự Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV
Yên Bái không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Yên Bái vượt kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề năm 2024
Yên Bái đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Hơn 59% lao động tại tỉnh Sóc Trăng đã qua đào tạo nghề