An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề
03:37 PM 24/02/2017
(LĐXH) - Sáng ngày 24/2/2017, tại TP.HCM, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Đ/c Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Tham dự hội nghị có các đồng chí:  Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;  Đào Ngọc Dung, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam… cùng đại diện Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số tổ chức tôn giáo, đại diện Lãnh sự quán các nước tại TP.HCM; đại diện UNICEF tại Việt Nam và đại diện các Ban thường vụ UBMTTQVN các tỉnh: Kiên Giang, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế; Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố: Hồ chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chương trình, chính sách và dành nhiều nguồn lực chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội. Các thành viên thuộc Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức tôn giáo đã kế thừa và phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái” của dân tộc, tổ chức nhiều mô hình, hình thức trợ giúp đối với những nhóm dân cư yếu thế, bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tại Hội nghị hôm nay, chúng ta sẽ tập trung đánh giá lại kết quả triển khai chủ trương, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, giới thiệu những điển hình của các tổ chức tôn giáo đã làm  tốt nhiệm vụ chăm lo, chăm sóc người dân có hoàn cảnh khó khăn".

Bộ trưởng đánh giá cao trách nhiệm, vai trò và thành quả của các tổ chức tôn giáo, cơ sở BTXH và dạy nghề trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho các nhóm đối tượng có hoàn  khó khăn trong những năm qua, góp phần cùng với Đảng và Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Và mong các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong công tác BTXH, day nghề để giảm bớt khó khăn cho người dân trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó tại một số địa phương, cac cơ sở của các tổ chức tôn giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn về năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc, giáo viên dạy nghề; cơ sở vật chất , trang thiết bị và tổ chức hoạt động cũng như huy động nguồn lực.

Đại diện Trung tâm nuôi trẻ cô nhi và khuyết tật Sơn Ca( Tỉnh Thừa Thiên Huế) phát báo cáo tại Hội nghị

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cần làm rõ những giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực này, nhất là việc tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và địa phương nhằm tạo ra những cơ chế, chính sách, chương trình hợp tác để khuyên khích thúc đẩy việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào lĩnh vực này. Để các tổ chức tôn giáo tham gia một cách thiết thực, hiệu quả và sâu rộng hơn trong việc bảo trợ các gia đình, các mảnh đời còn nhiều khó khăn, bất hạnh, giúp những cái sáng, cái đẹp, cái lành mạnh trong XH ngày được nhân rộng lên.

Theo báo cáo, trong thời gian qua, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến việc chăm sóc đời sống cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nghi quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biêt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình  chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình dưỡng lão.

Đến nay, đã có 2,7 triệu đối tượng BTXH đã được giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, trong đó: 37.348 trẻ em mồ côi, 88.594 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1.495 triệu người cao tuổi trên 80 không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 90 ngàn người cao tuổi cô đơn, không nguồn dưỡng, 896.644 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 69.257 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc tại cộng đồng, 8.185 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo. Kinh phí do ngân sách nhà nước trợ giúp xã hội đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Đại diện Trường TCN Hòa Bình (Giáo mục Đống Nai) báo cáo tại Hội nghị

Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 413 cơ sở trợ, trong đó có 195 cơ sở công lập và 218 cơ sở ngoài công lập, gồm 32 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 141 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 34 trung tâm CTXH. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 42.000 đối tượng BTXH, cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho hàng chục ngàn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó số đối tượng là trẻ em, người khuyết tật, người tâm thần chiếm tỷ lệ lớn (46,5%); số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm tỷ lệ 19,3%; số đối tượng là người già cô đơn  chiếm tỷ lệ 10,3% còn lại là trẻ em người bị nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành và đối tượng khác. Bình quân 01 cơ sở xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 100 đối tượng.

Tổng số cán bộ nhân viên làm việc trong mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội khoảng 15.000 người. Các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng BTXH, tổ chức hoạt động phục hồi, chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ CTXH, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm ngân sách nhà nước chi khoảng 1000 tỷ đồng hỗ trợ cho các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng và trợ giúp các đối tượng BTXH.

Về tình hình các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề của các tôn giáo, hiện nay cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng BTXH với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 01 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng BTXH. Các cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều loại đối tượng khác nhau.

Đ/c Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen cho các cơ sở BTXH và dạy nghề

Có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo trong tổng số 1998 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 2 trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề, tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho hơn 2.000 người. Các cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo đã thu hút nhiều người đến học tập, góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã lắng nghe 8 bài tham luận của đại diện các sơ sở Trợ giúp xã hội và Dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo như: Bản tham luận Hoạt động giáo dục từ thiện tại Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang (Kiên Giang), Tham luận về công tác nuôi dạy trẻ em mồ côi và khuyết tật của Trung tâm nuôi dạy trẻ cô nhi và khuyết tật Sơn Ca (Thừa Thiên-Huế), tham luận về kết quả tham gia hoạt động dạy nghề của Trường TCDN Hòa Bình thuộc Giám mục Xuân Lộc (Đồng Nai), báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM; Ban thường vụ UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và đại diện UNICEF tại Việt Nam ...  

Đ/c Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen cho các tổ chức tôn giáo có thành tích trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đ/c Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, trong những năm qua công tác trợ giúp xã hội và dạy nghề của cả nước đã có bước phát triển nhanh chóng, nhất là các cơ sở ngoài công lập, góp phần tích cực trợ giúp, chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố, người già cô đơn không nơi nương tựa, người tâm thần, người khuyết tật nặng,  nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định... và bồi dưỡng, đào tạo nghề cho người lao động.

Quy mô, hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội và các trường/trung tâm đào tạo nghề không ngừng phát triển; tỷ lệ các đối tượng trợ giúp xã hội và cần được đào tạo nghề tăng lên theo từng năm; đội ngũ giáo viên và cán bộ, nhân viên quản lý, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng; chất lượng phục vụ, chăm sóc, đào tạo tại các cơ sở, các trường/trung tâm dạy nghề ngày càng nâng cao; đời sống người lao động, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở bảo trợ, các trường dạy nghề ngoài công lập từng bước được cải thiện đáng kể.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Bằng khen cho các Trung tâm BTXH và dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo và Giáo hội phật giáo

Các cơ sở bảo trợ và dạy nghề ngoài công lập đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục các đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội và cung cấp người lao động có tay nghề phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của đất nước và các địa phương, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở, các trường dạy nghề công lập. Góp phần vào những thành tựu chung đó có sự tham gia tích cực của các cơ sở bảo trợ xã hội, các trường/trung tâm dạy nghề của các tôn giáo;có sự đồng hành, ủng hộ và đóng góp quý báu của các quý vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc và các tổ chức tôn giáo.

 Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời những năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể phát động; góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề của Đảng, Nhà nước.

Với sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và ngành Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp, đến nay trong cả nước đã có113 cơ sở trợ giú100%ã hội thuộc các tổ chức tôn giáo được thành lập  theo quy định của pháp luật và hàng chục cơ sở khác đang được hướng dẫn để thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội. Các cơ sở này đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 12.000 đối tượng (trong đó chủ yếu là trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa và hàng nghìn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác). Cả nước đã có 12 trường và trung tâm dạy nghề do các tổ chức tôn giáo thành lập.Các cơ sở dạy nghề này hoạt động với phương châm, mục đích dạy nghề rõ ràng, hoạt động từ thiện phi lợi nhuận, chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, kỹ năng nghề cho học viên. Hàng năm đã đào tạo nghề cho hàng nghìn công nhân, người lao động đến học tập, góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động. Đây là con số rất đáng khích lệ, biểu dương và phát huy trong thời gian tới.

Báo cáo về tình hình các tôn giáo tham gia phát triển hoạt động bảo trợ xã hội (trợ giúp xã hội) và dạy nghề; các tham luận của tập thể, cá nhân tiêu biểu và tham luận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày tại Hội nghị đã đánh giá cao về sự tham gia có hiệu quả của các tôn giáo, nhất là Công giáo và Phật giáo trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề trên nhiều phương diện: Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiến tặng đất đai, trang thiết bị, xây dựng cơ sở trợ giúp để nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng; bước đầu cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện đời sống cho đội ngũ nhân viên, giáo viên, cộng tác viên, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và chất lượng đào tạo nghề đối với học viên, người lao động trong các cơ sở của tôn giáo ngày càng hiệu quả và bền vững. Nhân viên, cộng tác viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở bảo trợ thuộc tổ chức tôn giáo có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết các cơ sở bảo trợ và dạy nghề của tôn giáo đã được thành lập theo quy định của pháp luật đã tổ chức tốt các hoạt động phát triển kỹ năng cho trẻ; có đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội, y tế như bác sĩ, phục hồi chức năng, trị liệu, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ tư vấn, tham vấn, nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đối với các đối tượng tại các cơ sở.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng Bằng khen cho các cơ sở BTXH và Dạy nghề thuộc các tổ chức công giáo làm tốt công tác chăm sóc, dạy nghề cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Các cán bộ, giáo viên và nhân viên trong các cơ sở bảo trợ xã hội của tôn giáo đã tích cực hưởng ứng và thường xuyên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động từ thiện xã hội do Mặt trận, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và các ban, ngành, đoàn thể phát động, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết đạo – đời ngày càng vững mạnh. Nhiều quý vị chức sắc, nữ tu, ni sư, sư cô là những tấm gương sáng về sự tâm huyết với nghề, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc con người; về lòng nhân hậu, đức hy sinh, sự cống hiến âm thầm trong việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội. Với 20 tập thể và 27 cá nhân đại diện được tặng thưởng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hôm nay, đó là những bông hoa tiêu biểu trong vườn hoa trăm sắc ngàn tía của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trân trọng ghi nhận, cảm ơn, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng, dấn thân của các vị trong việc tham gia phát triển hoạt độngbảo trợ xã hội và dạy nghề, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kêt toàn dân tộc.

Báo cáo về tình hình các tôn giáo tham gia phát triển hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề được trình bày tại Hội nghị hôm nay đã đề ra các giải pháp và các kiến nghị trong thời gian tới. Để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa hoạt động an sinh xã hội nói chung và hoạt động bảo trợ xã hội, dạy nghề nói riêng, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các tổ chức tôn giáo cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề; thực hiện nghiêm túc Nghị định số: 69/2008/NĐ-CP, ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Hai là, sau Hội nghị này, đề nghị các địa phương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngành Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, vận dụng đầy đủ các chính sách của Nhà nước đã có cho các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề, dù ở khu vực công lập hay ngoài công lập; tiếp tục phát hiện, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt của các tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề. Biểu dương, khen thưởng và có hình thức ghi nhận những tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm và đóng góp các cán bộ, nhân viên, giáo viên, cộng tác viên và người lao động phục vụ trong các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề của tôn giáo, thực hiện “Tốt đời đẹp đạo”.

Ba làBan Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngành Lao động – Thương binh và Xã hộicác cấp tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tăng cường giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ các tôn giáo tham gia phát triển hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề. Đối với các cơ sở tôn giáo đang hoạt động nhưng chưa thành lập Trung tâm, cần hướng dẫn, tạo điều kiện về các thủ tục theo quy định của pháp luật để thành lập Trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc, giáo dục, đào tạo, nhằm thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.

Các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề của tôn giáo cần tiếp tục tích cực, chủ động nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc, giáo dục, đào tạo nghề; tập trung bồi dưỡng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên, cộng tác viên, người phục vụ trong các cơ sởngày càng thân thiện, có kỹ năng và tâm huyết, trách nhiệm với công việc.

Bốn là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các tổ chức, quý vị chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo cần tiếp tục quan tâm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp  tích cực tham gia xã hội hóa, phát triển hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề.

Năm là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo và các cá nhân tôn giáo trong việc tham gia phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề đạt chất lượng cao và huy động được sự đóng góp của đồng bào có đạo trong cả nước. Sau Hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản gửi lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các địa phương trong cả nước quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn để phát huy tốt vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia phát triển hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề".

Hội nghị cũng công bố Quyết định khen thưởng và trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN cho 20 cơ sở và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho 24 tập thể có thành tích trong lĩnh vực BTXH và dạy nghề năm 2016.

Hoàng Cảnh – Lê Việt

 

TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ