An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo ở Hòa Bình
04:20 PM 17/10/2023
(LĐXH)- Nhận thức rõ về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền các cấp và các Sở, Ban, ngành tỉnh Hòa Bình đã tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh.
Trong 2 năm (2021-2022), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình đã cho trên 67.500 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay khoảng 2.666 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2023, có gần 19.200 lượt khách hàng được vay vốn của NHCSXH  để phát triển sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm với doanh số cho vay gần 745 tỷ đồng, trong đó có 3.296 lượt hộ nghèo, 2.515 lượt hộ cận nghèo, 1.366 lượt hộ mới thoát nghèo.
Cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách của trung ương, trong các năm qua tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo các ngành có liên quan làm tốt việc xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, gắn kết các chương trình tín dụng chính sách xã hội với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, đào tạo nghề, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm giúp các hộ vay và nhân dân trên địa bàn sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân Hòa Bình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Với các chương trình, chính sách ưu đãi như chính sách cho vay hộ nghèo; cho vay học sinh sinh viên; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay giải quyết việc làm và cho vay hỗ trợ nhà ở,… với mức lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài, trả nợ linh hoạt, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động, nhất là lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn vốn từ NHCSXH với mức vay cao hơn, lãi suất thấp hơn và thời gian cho vay dài hơn đã góp phần quan trọng giúp các hộ nghèo và hộ chính sách trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đặc biệt là những vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,…
Không chỉ cho vay ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống…, tín dụng chính sách xã hội còn hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, góp phần khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện phát triển các ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho người nghèo, lao động ở nông thôn, miền núi.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 của UBND tỉnh Hòa Bình thì tỷ lệ nghèo đa chiều ở tỉnh giảm còn 22,32%, trong đó: Số hộ nghèo giảm còn 27.091 hộ, chiếm tỷ lệ 12,29 %; Hộ cận nghèo: 22.114 hộ, chiếm 10,03%  so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2022 giảm 3,2%, đạt 128% kế hoạch tỉnh giao (3,2%/2,5%). Cuối năm 2022 toàn tỉnh đã có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Có thể nói, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Quang Tuấn
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa