Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Phần lớn doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh có xu hướng sử dụng lao động đã qua đào tạo
04:14 PM 27/06/2024
LĐXH) - Qua khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện có xu hướng sử dụng lao động đã qua đào tạo.

Phần lớn doanh nghiệp tại TP.HCM có xu  hướng sử dụng lao động đã qua đào tạo

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã thực hiện khảo sát 23.550 lượt doanh nghiệp, trong đó tiến hành phân tích sâu các phiếu khảo sát có đầy đủ thông tin tại 8.993 doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát về tình hình sử dụng lao động trong doanh nghiệp tại 8.993 doanh nghiệp, có tổng số lao động đang làm việc tính đến thời điểm 31/12/2023 là 237.276 người. Trong đó, lao động nữ chiếm tỷ lệ 37,09%,  lao động đến từ ngoại tỉnh chiếm 40,88% và lao động khuyết tật chiếm tỷ lệ rất thấp với 0,11%. Qua đó cho thấy, sự tham gia đáng kể của phụ nữ trong lực lượng lao động, tỷ lệ lao động khuyết tật còn rất thấp, cần tăng cường việc hòa nhập và tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật làm việc trong khu vực chính thức.

Về độ tuổi lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, phần lớn lao động thuộc nhóm tuổi từ 25 - 34 tuổi, chiếm 42,5% và nhóm tuổi từ 35 - 49 tuổi, chiếm 30,17%. Đây là 2 nhóm tuổi có kinh nghiệm làm việc, mang lại sự ổn định và hiệu quả cho doanh nghiệp, lao động trong độ tuổi này thường đang trong giai đoạn phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp; nhóm tuổi dưới 25 tuổi cũng chiếm tỷ lệ khá cao với 20,33% và nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên vẫn có chiếm tỷ lệ nhất định với 7%.

Theo khảo sát, phần lớn doanh nghiệp có xu hướng sử dụng lao động đã qua đào tạo, nhưng cũng cần một lực lượng lao động đa dạng về trình độ để đáp ứng các yêu cầu công việc khác nhau, điều này giúp doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Cụ thể, qua kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ lao động đang làm việc trong doanh nghiệp có trình độ sau đại học chiếm 1,56%, đại học chiếm 37,62%, cao đẳng chiếm 18,82%; trung cấp chiếm 13,58%; sơ cấp chiếm 8,94% và lao động phổ thông chiếm 19,48%.

Cơ cấu lao động đang làm việc trong doanh nghiệm, lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… luôn chiếm tỷ lệ cao nhất với 73,07% vì đây là những lao động trực tiếp sản xuất sản phẩm và tiếp xúc với khách hàng, mang lại lợi nhuận chính cho doanh nghiệp; kế đến là lao động gián tiếp chiếm 17,86% và lao động quản lý chiếm 9,07%. 

Khi khảo sát về dự kiến tăng/giảm lao động trong doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, có 1.418 doanh nghiệp trả lời có nhu cầu tăng lao động với số lượng lao động tăng là 8.645 người và có 914 doanh nghiệp trả lời dự kiến giảm lao động với số lượng lao động dự kiến giảm là 6.152 người.

Cụ thể: Dự kiến tăng/giảm lao động tập trung ở các doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước với tỷ lệ lao động tăng chiếm gần 94% (tăng 8.090 lao động) và tỷ lệ lao động giảm chiếm hơn 89% (giảm 5.528 lao động); doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ lao động tăng chiếm gần 4,9% (tăng 421 lao động) và tỷ lệ lao động giảm chiếm hơn 7% (giảm 440 lao động); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ lao động tăng chiếm 1,55% (tăng 134 lao động) và tỷ lệ lao động giảm chiếm 2,99% (giảm 184 lao động).

Doanh nghiệp có nhu cầu tăng lượng lớn lao động tập trung chủ yếu ở các ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ;… Còn doanh nghiệp có nhu cầu giảm lượng lớn lao động tập trung chủ yếu ở các ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin và truyền thông; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng;… Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy có sự chênh lệch thu nhập đáng kể giữa các nhóm lao động. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động quản lý là 16,1 triệu đồng/người/tháng; lao động gián tiếp là 9,77 triệu đồng/người/tháng và lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là 10,05 triệu đồng/người/tháng./.

Trương Đăng

TAG: có xu hướng sử dụng lao động đã qua đào tạo
Tin khác
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động