Tỉnh Cà Mau có 33 thành phần dân tộc cùng sinh sống, với 307.255 hộ, trên 1,2 triệu người, trong đó, có 32 dân tộc thiểu số (DTTS), với trên 12.000 hộ, gần 48.000 người, đông nhất là dân tộc Khmer, Hoa. Giai đoạn 2021 - 2025, vùng DTTS tỉnh Cà Mau còn 05 xã khu vực III (trong đó, có 02 xã an toàn khu), 01 xã khu vực I và 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III. Đồng bào DTTS sống đan xen với nhau ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, tập trung nhiều tại khu vực nông thôn, với hơn 9.000 hộ, chiếm trên 76%; địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vùng DTTS của tỉnh tập trung sinh sống ở các địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp, thiên tai thường xảy ra; từ đó, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân và kết quả triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ trong vùng.
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về dân tộc luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo, Ban Dân tộc tỉnh tích cực tham mưu quản lý về công tác dân tộc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân vùng DTTS của tỉnh có bước đột phá; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng DTTS cơ bản đảm bảo các điều kiện cần thiết cho sản xuất và dân sinh trong vùng.
Cùng với chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tỉnh cũng triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách liên quan về công tác dân tộc, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS. Việc triển khai các chương trình, chính sách liên quan góp quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ Kế hoạch công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS. Nổi bật là Chương trình 134, 135, Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã phân bổ hơn 128 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở những địa bàn khó khăn. Việc phân bổ vốn đầu tư cho các dự án được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch và kịp thời.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 4 thuộc, Dự án 5 “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719". Tiểu dự án nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác và chính sách dân tộc ở các cấp; cán bộ các tổ chức đoàn thể, lực lượng cốt cán, Người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh; Đào tạo các kỹ năng về phát triển cộng đồng và các nội dung có liên quan khác cho cán bộ cơ sở tại các xã khu vực III và các xã có ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS. Bên cạnh đó, giúp cộng đồng ấp, khóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS tiếp thu những kiến thức cơ bản về tiến bộ khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống... Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chung của toàn tỉnh sẽ giảm từ 2% trở lên và đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3% trở lên.
Với quyết tâm nâng cao đời sống đồng bào DTTS và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, Cà Mau đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm trên 2%/năm; ít nhất 40% số xã (2 xã) và 51,2% ấp, khóm (22 ấp, khóm) ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tiếp tục duy trì 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 80% ấp, khóm vùng DTTS có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa theo chuẩn nông thôn mới; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng bổ sung 4 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Salatel) cho vùng đồng bào DTTS...
Mục tiêu này thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh. Có nhiều yêu cầu trong công tác lãnh đạo chỉ đạo để hướng tới việc thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG 1719, nhưng trên hết là tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng trong cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Trần Huyền