Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Phải tính lại mô hình cai nghiện sau hàng loạt vụ đập phá, trốn trại
04:42 PM 14/11/2016
Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, phải tính toán, xây dựng lại mô hình cai nghiện cho phù hợp sau hàng loạt vụ đập phá, trốn trại cai nghiện thời gian qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 14/11
- Bộ trưởng vừa có chuyến thị sát tình hình tại trung tâm cai nghiện ở tỉnh Đồng Nai, nơi xảy ra sự việc đập phá, trốn trại. Những giải pháp rút ra được sau chuyến thị sát này là gì, thưa ông?
- Về căn cơ phải tính lại mô hình cai nghiện cho phù hợp. Bây giờ mình xác định đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện khác nhau. Bắt buộc là những người đã qua cai nghiện ở gia đình, cộng đồng nhưng nhiều lần không thoát được. Xu hướng chung là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc, chỉ bắt buộc khi không thể cai nghiện ở gia đình, cộng đồng.
Những người nào đưa vào cai nghiện bắt buộc là những người nghiện không có nơi cư trú ổn định, phân loại những người có tiền án, tiền sự. Từ thực tiễn, tất cả những chuyện phá cơ sở, trốn trại đều là những người có tiền án, tiền sự, từng dùng ma tuý đá, loạn thần, hướng thần, những người này luôn nghĩ làm sao trốn ra được, làm sao có ma tuý để sử dụng, do đó lúc nào cũng trong trạng thái muốn thoát ra, hai là phá, ba là tìm cách lôi kéo. Thế thì những đối tượng này phải có một khu để mà cai nghiện riêng.
Còn đối tượng nhẹ hơn, hoặc đối tượng vào ban đầu để phân loại thì phải được phân loại khu riêng, trong thời gian ngắn phải xác định được những người bắt buộc đưa vào trại cai nghiện thông qua toà án thì làm khẩn trương, còn những người còn lại đưa về gia đình.
Việc thứ hai, phải giải quyết tận gốc vấn đề, kiên quyết xử lý những trường hợp gây rối, gây phức tạp trong quá trình cai nghiện vì tâm lý những vào cơ sở cai nghiện rất dễ bị tâm lý đám đông. Chỉ cần 1-2 người ý kiến cầm đầu kích động, lôi kéo rất dễ dẫn đến hiện tượng vừa qua. Chính vì thế phải xử lý rất nghiêm minh những người cầm đầu, những đối tượng lôi kéo và phải cách ly ra.
Thứ ba, giải pháp rất căn cơ, 132 cơ sở cai nghiện đều đang quá tải, không đơn thuần là lao động bình thường mà là những người đúng ra vì nhân đạo, vì trách nhiệm cộng đồng, gia đình phải chăm sóc, nhưng 30-40% những người này có tiền án, tiền sự, sẵn sàng bất cứ lúc nào cũng gây ra những vấn đề phức tạp xã hội.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở cai nghiện rất cần thiết trong thời gian tới, nhưng trên cơ sở là đầu tư đến nơi đến chốn và có lẽ phải áp dụng cơ chế rất đặc thù chứ nếu cứ đấu thầu như hiện nay thì không biết đến khi nào mới đến nơi đến chốn được.
Rồi còn phải rất chú trọng chặn nguồn thuốc, chặn nguồn thẩm lậu, đấu tranh kiên quyết triệt phá tàng trữ, vận chuyển, tích trữ ma tuý.
Hiện nay còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc có tình trạng thẩm lậu ma túy vào trại cai nghiện?
- Hiện nay nhiều người nghi ngại tại sao trong các cơ sở cai nghiện có tình trạng chạy trên mái nhà 4-5 tiếng, có trường hợp ngồi cột điện 5-6 tiếng không ngã, người thường có thể làm được không? Nhiều ý kiến băn khoăn hay chăng trong cơ sở cai nghiện của chúng ta còn tình trạng thẩm lậu ma tuý vào đây?
Thì đây là cái chúng ta phải giải quyết đến nơi đến chốn. Theo quy định của pháp luật và theo Nghị định 98 của Chính phủ, thời gian tới đây sự phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với ngành công an, với chức năng để chặn tối đa thẩm lậu ma tuý vào các cơ sở cai nghiện là vấn đề thực sự cần quan tâm.
Điều cuối cùng, phải rất chú trọng chăm lo đội ngũ có chuyên môn về y, kiến thức về tâm lý, trị liệu và đội ngũ những người làm công tác cai nghiện. Những người ở đây rất vất vả, khó khăn, gian khổ, mức lương chỉ có khoảng 2 triệu/tháng trong khi đó những nguy cơ lúc nào cũng rình rập.
Tôi muốn nói phải có sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng với gia đình, xã hội với cộng đồng để đối phó với cuộc đấu tranh còn rất gay go, gian khổ. Nếu không đẩy mạnh được sự phối hợp chặt chẽ thì không có cơ sở nào giải quyết được trọn vẹn vấn đề.
- Xin ông nói rõ hơn về cơ chế đặc thù, tách riêng trong việc tổ chức cai nghiện?
- Thông thường hiện nay các cơ sở cai nghiện do địa phương quản lý, xây dựng. Nhìn chung các cơ sở hiện nay - trừ Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng có điều kiện cai nghiện tương đối tốt, vừa có chỗ cai riêng, vừa có nơi vui chơi, giải trí, có nơi chăm lo tạo việc làm nên tạo môi trường cai nghiện tốt - thì số còn lại không đáp ứng, có nơi quá tải 30-40%, cá biệt có nơi gấp 3 lần. Nơi công cộng vui chơi không có, việc làm không có, chỉ ngồi thế thì rất dễ nảy sinh việc khác.
Vì vậy trong thời gian tới, chính quyền các cấp phải chú trọng, tách cơ sở ban đầu khác cơ sở bắt buộc. Phải cho địa phương cơ chế đặc thù, coi như là công trình cấp bách, phải được chỉ định thầu để khẩn trương xây dựng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo báo Dân trí
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương