Nuôi trâu thịt giúp xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Quảng Ngãi
Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi trâu thịt tại huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi đang mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo cho bà con vùng cao này.
Gia đình anh Phạm Văn Cường ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ thuộc diện hộ nghèo. Những năm trước, gia đình anh được chọn tham gia mô hình nuôi dê bách thảo theo dự án giảm nghèo nhưng không thành công.
Năm 2017, từ nguồn hỗ trợ của nhà nước và vốn vay ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), anh Cường mạnh dạn mua 2 con trâu giống bản địa về chăn nuôi.
Chịu khó học hỏi, anh Hồ Văn Cường giờ biết làm chuồng nuôi, chủ động trồng cỏ voi và dự trữ rơm rạ làm nguồn thức ăn cho trâu. Nhờ vậy, từ 2 nghé con ban đầu, đến nay anh Cường chuẩn bị xuất bán hai trâu thịt lấy tiền trả ngân hàng và tiếp tục mua thêm trâu giống về nuôi tái đàn.
Ba Giang là xã đặc biệt khó khăn, nằm trong vùng di tích lịch sử an toàn khu của huyện Ba Tơ. Cả xã có hơn 400 hộ đồng bào Hrê, thì hơn 70% là hộ nghèo. Ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà nước, trong phát triển kinh tế, địa phương chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi gắn với điều kiện của địa phương. Trong đó, chú trọng phát triển, nhân rộng mô hình nuôi trâu, bò giống bản địa.
Ông Trần Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Ba Giang, huyện Ba Tơ cho biết, cả xã hiện có gần 1.600 con trâu. Thời gian tới, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng đàn trâu theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Mô hình nuôi trâu thịt tại huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi đang
mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo cho bà con vùng cao này.
"Đối với việc cải tạo đàn trâu, chúng tôi thực hiện trên tinh thần để dân tự mua. Để tránh tình trạng cận huyết và lợi dụng đồng tiền nhà nước đưa qua, đưa lại. Chúng tôi yêu cầu phải mua con giống đạt chất lượng, mua con giống ngoài địa phương và được xã thẩm định đảm bảo thì mới đem về nuôi", ông Hoài cho hay.
Huyện Ba Tơ hiện có tổng đàn gia súc gần 58.000 con, trong đó, đàn trâu hơn 28.000 con, tăng 6.200 con so với 5 năm trước. Huyện Ba Tơ xác định, từ nay đến năm 2020, tiếp tục khuyến khích phát triển các hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại, sản xuất tập trung, quy mô vừa và lớn, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm, kết nối khâu sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phạm Quang Đức, Phó phòng Nông nghiệp huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện định hướng phát triển đàn trâu, sản phẩm thịt trâu thành sản phẩm đặc trưng riêng của huyện Ba Tơ. Đưa vào các nhà hàng, siêu thị để tạo đầu ra ổn định cho bà con.
Sau 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay cơ cấu nông nghiệp của huyện Ba Tơ chuyển dịch đúng hướng. Nhiều chương trình, dự án, phương án gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tiếp tục được triển khai.
Ông Trần Trung Triết, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo nguồn thu nhập bền vững, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo./.
PV
TAG: