Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Ninh Thuận: tăng cường đấu tranh, tìm kiếm giải pháp hạn chế tệ nạn mại dâm
03:26 PM 09/09/2019
(LĐXH) - Theo thống kê trong 06 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Ninh Thuận có 463 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; 548 người liên quan đến hoạt động mại dâm trong đó có có 31 chủ chứa, môi giới, dẫn dắt và 248 người bán dâm (có hồ sơ quản lý, trong tỉnh có 146 người, ngoài tỉnh 102 người).

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Ninh Thuận, đặc biệt là phát triển về du lịch và dịch vụ, tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn, bao gồm cả mại dâm cũng có diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu du lịch và địa bàn giáp ranh. Mặc dù Ninh Thuận không phải là địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm, hoạt động mại dâm ở đây chủ yếu là nhỏ lẻ, không hình thành các điểm, tụ điểm, các đường dây, bảo kê, song một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm, các đối tượng thường lợi dụng hoạt động một cách kín kẽ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, cho thuê lưu trú, mát-xa, hớt tóc thanh nữ… để núp bóng hoạt động mại dâm. Theo thống kê trong 06 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 463 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; 548 người liên quan đến hoạt động mại dâm trong đó có có 31 chủ chứa, môi giới, dẫn dắt và 248 người bán dâm (có hồ sơ quản lý, trong tỉnh có 146 người, ngoài tỉnh 102 người).

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của các ngành chức năng, phần lớn các đối tượng hoạt động mại dâm từ tỉnh ngoài đến, hoạt động lưu động, trá hình dưới nhiều hình thức, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, phát hiện, bắt giữ và xử lý. Điều đáng lo, đối tượng bán dâm đều có hoàn cảnh khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, học vấn thấp và tâm lý muốn hưởng thụ nhưng lười lao động, nên sau khi tái hòa nhập cộng đồng có xu hướng quay lại hoạt động khá cao. Ngoài ra, do còn có sự kỳ thị từ cộng đồng và sự kỳ thị của người bán dâm nên không thể triển khai các hoạt động quản lý, giúp đỡ và các dịch vụ hỗ trợ; Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành nhất là cấp cơ sở trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm thiếu chặt chẽ thường xuyên...

Trước tình hình đó, ngày 14/3, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 945/KH-UBND triển khai công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2019. Thông qua việc ban hành kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân về hiểm họa của mại dâm, ma túy, tội phạm mua bán người. Từ đó, chủ động đấu tranh, phòng ngừa, góp phần trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tiến tới đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội trong đời sống xã hội.

UBND tỉnh đã giao cụ thể nhiệm vụ cho từng sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ kế hoạch trên để xây dựng chương công tác, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tện nạn xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Riêng các chỉ tiêu liên quan đến phòng chống tệ nạn mại dâm, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm, hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Duy trì, giữ vững 16 xã, phường, thị trấn và công nhận mới 2 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, ma túy. 100% các trường hợp là người bị mua bán trở về được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và được cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước khi có yêu cầu. 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn về nghiệp vụ trong công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về…

 
Phát động tuyên truyền, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng

Trong thời tới, các ngành chức năng, các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất các giải pháp, hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục lồng ghép công tác phòng chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề; xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội, mại dâm…

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn