Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Ninh Bình tích cực hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP
11:54 AM 25/08/2021
(LĐXH) - Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 24/8/2021, tỉnh Ninh Bình đã triển khai kịp thời việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng bị khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, ngày 22/7/2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản chỉ đạo số 425/UBND-VP6 về triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19, giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành; UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện. Đồng thời, trình HĐND tỉnh (Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh) về việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình… Tiếp đó, ngày 13/8/2021 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 512/UBND-VP6 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh COVID-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, chính sách, thực chất và hiệu quả.
Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐTBXH Ninh Bình phát biểu tại Hội ghị triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ của Sở ngày 20/7
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 68, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Văn bản số 1138/LĐTBXH-LĐVL ngày 13/7/2021 hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát viên chức hoạt động nghệ thuật, rà soát hướng dẫn viên du lịch; đề nghị Sở Công Thương, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thành phố rà soát người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… Đồng thời, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh, 8/8 huyện, thành phố đã ban hành văn bản và đang tích cực vào cuộc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, các Sở, ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã và đang khẩn trương rà soát đối tượng và đề xuất kinh phí hỗ trợ các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Tính đến ngày 24/8/2021, tỉnh đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.456 đơn vị, doanh nghiệp với 99.191người lao động với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng trong 7- 8/2021 (tính đến ngày 24/8/2021) là hơn 4,644 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, tỉnh đã giải ngân cho 03 người sử dụng lao động với 175 lao động. Trong đó, Công ty TNHH đầu tư Phúc Thành vay vốn trả lương ngừng việc cho 18 người lao động với số tiền 64.228.000 đồng; Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn vay vốn trả lương khi phục hồi sản xuất, kinh doanh cho 97 người lao động với số tiền 378.316.000 đồng.
Cán bộ xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình  tuyên truyền, rà xoát các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ
Về chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Ngày 31/7/2021, ngay sau khi nhận được văn bản thẩm định kinh phí của Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Bình đã trình UBND tỉnh đề nghị phê duyệt kinh phí hỗ trợ 38 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của Công ty TNHH mầm non Việt Thắng (thành phố Tam Điệp) với tổng kinh phí là 178.125.000 đồng.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở Tài chính thẩm định kinh phí hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của 02 đơn vị: Trường mầm non SUNSHINE và Trường mầm non Hà Phương (huyện Kim Sơn) với tổng số tiền là 57.520.000 đồng. Trong đó: hỗ trợ 12 người lao động hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí 44.520.000 đồng; hỗ trợ 02 người lao động hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đang mang thai, số tiền 2.000.000 đồng; hỗ trợ 11 trẻ em dưới 6 tuổi do người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đang nuôi dưỡng với số tiền 11.000.000 đồng.
Tính đến ngày 24/8/2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở Tài Chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ tiền mặt cho các đối tượng, bao gồm: 643 người cách ly y tế (F1), kinh phí 1,025 tỷ đồng (trong đó có 77 trẻ em dưới 16 tuổi); 1.022 lao động tự do (bao gồm cả người bán hàng rong, gom rác phế liệu, bán vé số, chở xe ôm, xích lô chở khách đến những người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ), kinh phí 1,533 tỷ đồng; 291 người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí hơn 1,28 tỷ đồng; 3 lao động ngừng việc, kinh phí 4 triệu đồng; 75 hộ kinh doanh, kinh phí 225 triệu đồng, 28 hướng dẫn viên du lịch, kinh phí 103,88 triệu đồng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng và từ chính những đối tượng được thụ hưởng, những chính sách hỗ trợ nêu trên được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch đã thực sự phát huy hiệu quả, giảm thiểu những khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm đời sống và an sinh xã hội của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Đức Tùng
TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng