Ninh Bình tập trung thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030
(LĐXH) - UBND tỉnh Ninh Bình mới ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển địa phương trong từng giai đoạn...
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chất lượng đào tạo của một số nghề tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% - 32%
Một số chỉ tiêu chủ yếu: Thu hút từ 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%. Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%. Ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 02 trường đạt chất lượng cao; khoảng 20 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 01 - 02 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong các nước ASEAN-4.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.
Một số chỉ tiêu chủ yếu: Thu hút từ 50% - 55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. - Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 50%. Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 40%. Ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 03 trường đạt chất lượng cao; khoảng 20 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 01 - 03 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong các nước ASEAN-4.
Tầm nhìn đến năm 2045 giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao tại địa phương, bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, các cơ sở GDNN trên địa bàn sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; thực hiện ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN…
Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 27 cơ sở GDNN đang hoạt động, gồm 04 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp, 11 trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên (GDTX) và 08 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN. Tổng số nhà giáo GDNN là 816 người (trong đó nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng là 401 người, các trường trung cấp là 171 người, các trung tâm GDNN 189 người và tại các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN là 55 người); về trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo, có 247 người có trình độ trên đại học, 407 người có trình độ đại học, 162 người trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ khác (công nhân kỹ thuật, bậc, thợ…). 100% giảng viên, giáo viên đạt chuẩn theo quy định, đội ngũ giảng viên, giáo viên tại các trường cao đẳng cơ bản đáp ứng được theo tiêu chí trường chất lượng cao.
Giai đoạn 2019 – 2022, kết quả đào tạo toàn tỉnh đạt 69.640 học sinh, sinh viên, học viên/năm. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp đạt 19.320 học sinh, sinh viên; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đạt 50.320 học viên. Đào tạo tại các cơ sở GDNN tư thục là 26.382 người, trình độ trung cấp là 1.585 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 24.797 người. Năm 2023, kết quả tuyển sinh, đào tạo đạt 17.500 học sinh, sinh viên, học viên. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp ước đạt 5.000 sinh viên; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ước đạt 12.500 học viên.Trong đó, đào tạo tại các cơ sở GDNN tư thục ước đạt 4.191 người (trung cấp 445 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 3.746 người).
Học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ở các cấp trình độ ngày càng có xu hướng tăng lên do nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ kỹ năng trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Mức thu nhập bình quân của người học tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng từ 6-9 triệu đồng/tháng. Số người học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có mức thu nhập thấp hơn, từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết học sinh, sinh viên đều được các doanh nghiệp đánh giá có ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, kỹ năng và tác phong công nghiệp tốt, đáp ứng được vị trí công việc./.
Minh Hiền