An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Những tấm gương người khuyết tật nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống
12:34 PM 25/12/2023
(LĐXH) - Gặp những tấm gương người khuyết tật vượt khó, tôi thật sự rất ngưỡng mộ và khâm phục. Mang những thiệt thòi, bất hạnh do tật nguyền nhưng họ đã vượt lên trên nỗi bất hạnh đó để khẳng định chính mình.
Chị Mến với những sản phẩm mây tre đan của mình
Nói đến những người khuyết tật, người ta thường nghĩ rằng họ là những người không đủ sức khoẻ, những người phải sống phụ thuộc vào người khác, là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng, họ không thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt xã hội. Nhưng thực tế lại khác, có rất nhiều người khuyết tật không đầu hàng số phận, họ phấn đấu không ngừng với nghị lực phi thường, vượt qua số phận, tự vươn lên để kiếm sống, tự nuôi mình, nuôi gia đình và tạo nhiều việc làm cho người cùng cảnh ngộ. Họ là những tấm gương sáng, được nhiều người khâm phục và yêu mến.
Anh Lê Thái Bình sinh năm 1988, ở thôn Trung Thượng, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là một điển hình. Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ông nội, nên từ khi sinh ra, tứ chi của anh Bình đã bị co quắp, giọng nói méo mó và cũng không đủ sức khỏe để đến trường. Không đầu hàng số phận, anh Bình đã quyết tâm tự học văn hoá và sau đó là học nghề (Tin học). Chính ý chí và sự hướng ngoại đó đã kết nối anh Bình với nhiều mối quan hệ trong cộng đồng, để anh được sẻ chia, tìm thấy động lực, niềm vui trong cuộc sống.
Không chỉ tạo việc làm cho mình, anh Bình còn hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn như mình. Từ một chàng trai khuyết tật, anh Bình đã làm nên điều phi thường, giờ đây anh là Trưởng nhóm “Hướng thiện từ trái tim”, chủ không gian đọc sách Thái Bình.
Đặc biệt, trong năm 2020, anh Bình và những người bạn trong nhóm thiện nguyện “Hướng thiện từ trái tim” đã kêu gọi được gần 2 tỷ đồng và tiến hành trao tặng hàng chục chiếc xe đạp, xe lăn; cứu trợ hàng nghìn suất quà và xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
 Đến nay, anh Bình đã huy động nguồn lực từ xã hội với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, gia đình chính sách, trẻ em vùng cao. 
Cuốn sách như một lời cảm tạ của anh Bình với sự sẻ chia, thấu hiếu, đồng cảm của cộng đồng đối với anh. Thông qua những trang viết của mình, anh Bình muốn lan tỏa tới mọi người giá trị nhân văn sâu sắc, ý nghĩa của việc thiện nguyện tới cộng đồng. Anh hy vọng, những tấm gương nghị lực, truyền cảm hứng trong cuốn sách sẽ giúp độc giả, nhất là những người khuyết tật như mình có thêm nguồn năng lượng tích cực, sống vui vẻ, lạc quan và hướng thiện. 
Hay như tấm gương của chị Cao Thị Mến, ở thôn 4, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chị là một trong những nạn nhân bị thương tật do bom, mìn. Năm 6 tuổi khi còn chưa kịp cắp sách đến trường, chị Mến bị một viên đạn lạc rơi gây thương tích vùng xương sống và bị liệt từ đó.
Vì bị bại liệt từ nhỏ nên chị sống trong mặc cảm, tự ti, không giao tiếp với ai. Được AEPD (Hội vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình) giúp đỡ bằng cách tìm kiếm nhà tài trợ giúp chị phẫu thuật sống lưng và lấy ra viên đạn, đồng thời hỗ trợ học nghề làm mây tre đan xuất khẩu, sức khỏe chị Mến dần hồi phục. Có nghề làm, chị vui vẻ tự tin, chủ động chia sẻ, tâm sự với chị em khuyết tật, động viên mọi người cùng vươn lên. Hiện chị Mến đang giúp đỡ 10 chị em khuyết tật cùng học nghề mây tre đan.
Chị Mến cười rạng rỡ nói với chúng tôi rằng, cuộc đời của chị đã sang trang mới. Căn nhà nhỏ của chị bây giờ được tu sửa vững chải. Nơi đây là điểm sản xuất mây tre xuất khẩu của 8 thành viên trong thôn. Căn nhà cô đơn của chị ngày nào bây giờ luôn rộn tiếng cười. Sản phẩm sản xuất của cơ sở không những được thị trường địa phương ghi nhận mà còn được các tỉnh lận cận tiêu thụ mạnh. Nhiều lô hàng từ nhóm của chị xuất sang Lào.
Hay như tấm gương anh Phạm Văn Thẹ, ở xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũng đã vượt qua khó khăn do khuyết tật để phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho những người đồng cảnh ngộ. Cơ sở sản xuất hàng mã của gia đình anh đã trở thành ngôi nhà chung ấm cúng của không ít người khuyết tật. Chị Phạm Thị Hiếu ở cùng xã Thống Nhất cho biết: “Anh Thẹ là người khuyết tật nhưng luôn lạc quan, truyền nghị lực sống cho những người cùng hoàn cảnh. Ở đây không chỉ có việc làm, thu nhập ổn định, chúng tôi còn được sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.
Hơn 30 năm qua, anh Thẹ đã tạo việc làm, dạy nghề cho hàng trăm người khuyết tật trong và ngoài tỉnh. Gần 10 người khuyết tật đang được làm việc tại cơ sở của anh có thu nhập hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Anh còn chăm sóc và cho 6 người khuyết tật ăn ở tại nhà.
Anh Thẹ cho biết: “Cùng cảnh ngộ nên tôi thấu hiểu những vất vả, mặc cảm, tự ti của người khuyết tật. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé giúp họ vượt khó, hòa nhập cộng đồng”. Anh Thẹ là một trong 36 người khuyết tật được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu Hải Dương năm nay./.
 
Thu Hương
 
 
 
TAG:
Tin khác
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025