Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Những tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực lao động – việc làm
02:19 PM 05/03/2020
(LĐXH) - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) gây ra, đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động.
Các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid - 19
Theo báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực lao động – việc làm của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong tháng 2/2020, nhu cầu tuyển dụng lao động đăng ký tại Trung tâm Dịch vụ việc làm hơn 130 ngàn lao động (so với cùng kỳ năm 2019, nhu cầu tuyển lao động ở các địa bàn đều giảm, dao động từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái). 
Theo rà soát nhanh trong tháng 2/2020, có 10% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải hoạt động cầm chừng, thực hiện cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp, cở sở sản xuất kinh doanh hoạt động cầm chừng, thực hiện cắt giảm quy mô tập trung ở 1 số ngành: điện – điện tử, du lịch và ngành phụ trợ, vận tải,…Tại tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện cắt giảm là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực về du lịch và các hoạt động phụ trợ, nuôi trồng thủy hải sản…; Tỉnh Bến Tre, các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản (cá tra, basa,..) hoạt động cầm chừng và tập trung  hướng tiêu thụ trong nước; Thành phố Hồ Chí Minh: Các doanh nghiệp đang sử dụng biện pháp giảm giờ làm, làm việc luân phiên, động viên lao động ngoại tỉnh tạm thời ở lại quê để phòng tránh dịch bệnh…
Dịch vụ vận tải hàng không, trong tháng 2/2020 số khách chỉ đạt trung bình 20-30%, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam hiện nay có 40/100 máy bay phải “nằm chờ”, cắt giảm  lương từ 20%-40% của tùy từng vị trí, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Dịch vụ vận tải biển do ảnh hưởng của dịch, các tàu của các hãng Trung Quốc, Đài Loan hủy lịch hoặc neo chờ nhiều ngày. Hoạt động logistic của doanh nghiệp dịch vụ hàng hải với khách hàng Trung Quốc hiện đang tạm dừng, hoạt động tạm nhập tái xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là chi phí lưu kho tăng cao.
Thị trường xuất khẩu hàng nông sản bị tác động mạnh, hầu hết các sản phẩm trái cây như thanh long, dưa hấu tồn đọng hàng chục nghìn tấn cần phải tìm các giải pháp để “giải cứu” tác động đến doanh nghiệp, người nông dân của Việt Nam. Ngành dệt may hiện phải nhập khẩu 60-70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ Trung Quốc, trong đó nhập khẩu vải chiếm nhiều nhất nên việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động đến hết tháng 2 đã gây tác động lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế, dự kiến trong tháng 3 khi hết nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp ngành này sẽ phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về tình hình lao động đăng ký để hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trong tháng 2/2020, Số người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 24.335 người, tăng 8,9% so với tháng 01/2020 (22.342 người), tăng 150,5% so với cùng kỳ năm 2019 (9.714 người). Số người đến nhận quyết định là 21.566 người, giảm 18,3% so với tháng 01/2020 (26.382 người), tăng 70,1%  so với cùng kỳ năm 2019 (12.680 người).
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, có thị trường xuất khẩu chính ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ hết nguyên liệu sản xuất, và phải cắt giảm, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp chưa được ngăn chặn thì dự kiến số lao động Việt Nam bị tác động rất lớn. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI và những ước tính trước đó: Kịch bản 1, dịch được khống chế trong tháng 03/2020 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn, GDP quý 1/2020 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 0,3%-0,5%; Kịch bản 2, diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, GDP quý 1 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra khoảng 1 – 2%; Kịch bản 3, dịch bùng phát, GDP quý 1/2020 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 2-3%
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) năm 2019, tỉ lệ đóng góp của lao động Việt Nam vào GDP, điều chỉnh cho lượng lao động tự doanh, là khoảng 0.8. (Như vậy, số lượng lao động bị ảnh hưởng được ước tính theo công thức: # ảnh hưởng =  % GDP mất do dịch * % đóng góp của lao động vào GDP * số lao động). Các kịch bản được đưa ra: Kịch bản 1, dịch được khống chế trong tháng 03/2020 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn, GDP quý 1/2020 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 0,3%-0,5% thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 132 ngàn đến 220 ngàn lao động; Kịch bản 2 (dễ xảy ra), diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, GDP quý 1 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra khoảng 1 – 2% thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 440 ngàn đến 880 ngàn lao động; Kịch bản 3 (cần đề phòng), dịch bùng phát, GDP quý 1/2020 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 2-3% thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 880 ngàn đến 1,32 triệu lao động.
Ước tính các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên./.
Nguyễn Hiền
TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương