Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Những mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh huyện Mường La
05:31 PM 16/11/2022
(LĐXH) – Những năm qua, Hội Cựu chiến binh huyện Mường La (Sơn La) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên.
Hội Cựu chiến binh huyện Mường La có 3.132 hội viên, sinh hoạt tại 161 chi hội. Hiện nay, các cấp hội trong huyện đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 115 tỷ đồng, cho 3.662 lượt hộ hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, huy động hội viên tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ hội được trên 1 tỷ đồng cho hội viên vay với lãi suất thấp. Hàng năm, Hội còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho hội viên. Hội hiện có trên 60 mô hình trang trại, mô hình VAC, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp do các hội viên cựu chiến binh làm chủ; trong đó chủ yếu là mô hình kinh doanh dịch vụ, trang trại nuôi cá lồng, gia súc, trồng cây ăn quả trên đất dốc... với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ đó, tỷ lệ gia đình hội viên cựu chiến binh nghèo trên địa bàn huyện Mường La đã giảm từ hơn 30% năm 2017, xuống còn 9,9%; có 36 gia đình hội viên cựu chiến binh đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và 76 gia đình hội viên đạt cấp huyện.
Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi ong rừng kết hợp với trồng cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm của Cựu chiến binh Lò Văn Xêm ở bản Pàn, xã Mường Chùm. inh năm 1963, khi vừa tròn 20 tuổi, thanh niên Lò Văn Xêm tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia chiến trường Bắc Lào chiến đấu bảo vệ nước bạn Lào khỏi giặc tàu. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, tháng 6/1985, ông xuất ngũ trở về quê hương. Trăn trở với cuộc sống mưu sinh, cả gia đình ông chỉ trông chờ vào mấy thửa ruộng, cùng diện tích đất đồi canh tác lâu năm đã bạc màu. Dù vợ chồng ông vất vả làm lụng cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu của gia đình. Những suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên luôn khiến ông phải suy nghĩ. Nhận thấy trong quá trình phục vụ quân ngũ bên nước bạn Lào người dân áp dụng mô hình nuôi ong rừng rất hiệu quả mà lại không tốn nhiều chi phí công sức, cộng với học hỏi trên đài báo ông đã mạnh dạn áp dụng và bước đầu có hiệu quả.
Từ 20 tổ ong rừng ban đầu đến nay ông đã nhân lên được gần 200 tổ ong. Mỗi năm gia đình thu về 5 tạ mật và gần 5 tạ sáp. Nguồn kinh tế mang lại từ nuôi ong mỗi năm cho gia đình ông Xêm thu nhập trên 200 triệu đồng. Cùng với nuôi ong gia đình ông còn học hỏi, áp dụng mô hình vườn, ao chuồng: trồng 300 gốc thanh long ruột đỏ, hơn 40 gốc soài Đài loan, 20 gốc nhãn, đào 200 m2 ao thả cá; nuôi 6 con trâu, bò. Từ nuôi ong và phát triển trồng trọt chăn nuôi, hàng năm, thu nhập của gia đình ông sau khi trừ chi phí cho thu về trên dưới 300 triệu đồng.
Bản thân ông Xêm mong muốn qua những việc làm của mình sẽ là tấm gương cho con cháu học tập noi theo về ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên. Bởi để có được thành quả như hôm nay ông và gia đình cũng đã trải qua những năm tháng hết sức khó khăn thiếu thốn. Nhưng chính trong những lúc khó khăn vất vả đó thì bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ý chí, kinh nghiệm được toi luyện trong môi trường Quân đội đã giúp ông vượt qua tất cả. Không chỉ sản xuất giỏi, Cựu chiến binh Lò Văn Xêm và gia đình còn là tấm gương sáng trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương; Với vai trò là hội viên hội cựu Chiến binh ông Lò Văn Xêm luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của hội; thường xuyên vận động bà con nhân dân trong bản thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của bản thân với các hộ nông dân khác trong bản, trong chi hội, hỗ trợ các hộ nghèo về thông tin kiến thức trong việc phát triển kinh tế gia đình giúp họ phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ được nhiều hộ gia đình trong và ngoài xã về con giống, kỹ thuật nuôi ong, nuôi bò và nhiều mô hình cây ăn quả, phát triển theo hướng chuyên canh, đa dạng mô hình; từ đó đã có nhiều hộ phát triển kinh tế tương đối ổn định tại địa phương. Mô hình kinh tế của gia đình ông Lò Văn Xêm là một điển hình tiêu biểu của ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên. Hằng năm hội Cựu chiến binh xã cũng đã thường xuyên lấy mô hình của gia đình ông làm điểm để cho các hội viên đến tham quan học tập, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên Cựu chiến binh.
Hay như thương binh hạng 3/4 Đèo Văn Hải, ở xã Mường Bú, huyện Mường La đã vượt lên thương tật, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế với mô hình trồng cây ăn trái và chăn nuôi gia súc. Sinh năm 1965, ông Hải tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1984 đến năm 1986, ông bị một mảnh pháo bắn vào người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống. Năm 1991, ông phục viên trở về quê hương tại bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La. Những ngày đầu, cuộc sống gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn do bản thân ông bị thương tật không làm được các công việc nặng. Không cam chịu đói nghèo, ông cùng gia đình đã khai hoang đất ruộng, đất đồi để tập trung lao động sản xuất. Vay thêm vốn từ anh, em họ hàng và vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La được 50 triệu đồng để đầu tư nuôi bò, nuôi cá, trồng cây ăn quả. Ông thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế thành công khác; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về áp dụng vào chăm sóc vườn cây và nuôi gia súc.
Đến nay, gia đình ông Hải đã có vườn cây ăn quả rộng 3 ha, trồng các loại cây: Nhãn, vải thiều, ổi, xoài Đài Loan, xoài Úc... được chăm sóc theo hướng hữu cơ, đúng kỹ thuật, nên trái cây đảm bảo chất lượng, thương lái đến tận vườn thu mua để xuất bán đến các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu cả sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn đào 7.000 m² ao nuôi cá, nuôi 10 con bò sinh sản. Hằng năm, trừ chi phí, thu nhập từ mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Hải đạt trên 350 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hải còn chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ cây giống, con giống, giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh và các gia đình khó khăn trong bản, trong xã, từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ghi nhận những cống hiến trong xây dựng, bảo vệ tổ chức và thành tích đã đạt được trên “mặt trận” kinh tế, thương binh Đèo Văn Hải được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND các cấp./.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại