Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
(LĐXH) - Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là một trong những chính sách của hệ thống an sinh xã hội nước ta, do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho người lao động, nhằm bảo đảm hơn đời sống của những lao động khi gặp các rủi ro TNLĐ và BNN.
Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã quy định cụ thể về điều kiện hưởng và mức hưởng trợ cấp TNLĐ đối với người lao động bị TNLĐ do Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN thuộc Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động (KNLĐ).
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 2 năm qua cả nước đã thưc hiện giải quyết hưởng mới chế độ trợ cấp hàng tháng cho 5.060 người; thực hiện giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho 11.898 người. Trong đó, giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ một lầm là 5.051 người, giải quyết hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp một lần là 183 người, giải quyết hưởng trợ cấp một lần khi chết do TNLĐ, BNN là 515 người.
Tình hình chi trả chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN hàng tháng. Chi từ nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo: Năm 2019, tổng số tiền chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng bình quân là 112 tỷ đồng; Năm 2020, tổng số tiền chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng là 116 tỷ đồng (tăng 4% so với số tiền chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng năm 2019, tương ứng với số chi tăng 4 tỷ đồng). Chi từ nguồn quỹ BHXH: Năm 2019, tổng số tiền chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng bình quân là 593 tỷ đồng; Năm 2020, tổng số tiền chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng là 630 tỷ đồng (tăng 6% so với số tiền chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng năm 2019, tương ứng với số chi tăng 37 tỷ đồng).
Đánh giá về tình hình giải quyết hưởng chế độ cho người lao động bị TNLĐ, BNN, đại diện BHXH Việt nam cho biết: Việc giải quyết hưởng chế độ cho người lao động bị TNLĐ, BNN thời gian qua có một số thuận lợi như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn được triển khai thực hiện tương đối đầy đủ, kịp thời, công nghệ thông tin được đưa vào ứng dụng trong giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN; Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách; các ban, ngành, đoàn thể luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BHXH nói chung, bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng, giúp người lao động kịp thời nắm bắt những thay đổi, những quy định mới của chính sách pháp luật về BHXH; Công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện triệt để, trên mọi phương diện. Cắt giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi tiếp cận với dịch vụ BHXH, qua đó công tác giải quyết hưởng và chi trả các chế độ TNLĐ, BNN được đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, công tác giải quyết hưởng chế độ cho người lao động bị TNLĐ, BNN cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN xảy ra ở hầu hết các địa phương gây anh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu của chính sách an sinh xã hội; Hiện nay chưa có số liệu, dữ liệu cập nhật về tình hình sử dụng lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong quá trình quản lý cũng như giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với người lao động.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Luật ATVSLĐ vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập kéo dài đã nhiều năm như: Còn thiếu khung pháp lý chuẩn mực làm căn cứ xác định một vụ tai nạn là TNLĐ dẫn đến việc tổ chức thực hiện chưa thống nhất, thiếu minh bạch và chưa công bằng như: Trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc nhưng không gắn với thực thi công việc, nhiệm vụ được phân công; trường hợp bị tai nạn ngoài nơi làm việc, ngoài giờ làm việc dù không phải do thực hiện nhiệm vụ do người sử dụng lao động phân công nhưng vụ tai nạn lại liên quan đến việc thực hiện công vụ. Việc xác định thế nào là thời gian và tuyến đường hợp lý trong trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc cũng gặp nhiều khó khăn…; Việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (hiện nay đang được thực hiện theo 2 phương thức gây bất bình đẳng trong thụ hưởng và không nhất quán trong tổ chức thực hiện). Trong qua trình thực hiện cũng gặp một số vướng mắc do mẫu văn bản xác nhận của cơ quan công an cấp xã hoặc của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 35 Luật ATVSLĐ chưa được ban hành để đảm bảo chặt chẽ và thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Về thời hạn điều tra TNLĐ. Hiện nay, nhiều trường hợp không tuân thủ theo quy định về thời hạn điều tra TNLĐ, nhiều trường hợp đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ đối với các vụ việc xảy ra đã rất lâu (có vụ việc xảy ra cách đây nhiều năm thậm chí 10 năm, cá biệt có trường hợp hơn 30 năm). Mặc dù đã có quy định cụ thể về thời hạn điều tra nhưng chưa có cơ chế chịu trách nhiệm, xử lý vi phạm khi đoàn điều tra TNLĐ thực hiện không kịp thời, không đúng quy định. Việc này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc xác định căn cứ để xem xét, giải quyết chế độ TNLĐ đối với người lao động. Nếu giải quyết thì thiếu cơ sở vững chắc, dễ dàng để các đối tượng có thể trục lợi Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Hiện nay, không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, BNN. Hầu hết các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan BHXH hoặc từ người lao động hoặc cá nhân liên quan; đoàn điều tra TNLĐ không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc (như trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, Quỹ BHXH trong trường hợp kết luận không đúng…) để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này.
Để thực hiện tốt hơn việc giải quyết chế độ hưởng cho người lao động bị TNLĐ, BNN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với người lao động. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm ban hành mẫu văn bản xác nhận của cơ quan công an cấp xã hoặc của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn theo quy định để đảm bảo chặt chẽ và thống nhất trong tổ chức thực hiện. Có quy định cụ thể các chế tài xử phạt hành chính, hình sự đối với các vi phạm theo quy định tại Điều 12 Luật ATVSLĐ; Chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra TNLĐ của đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở và cấp tỉnh; xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động, đồng thời hạn chế các hành vi gian lận trong công tác điều tra TNLĐ; Liên thông cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết, chi trả trợ cấp hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro cho đơn vị sử dụng lao động được thuận lợi, nhanh chóng; Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về BHXH gồn cả bảo hiểm TNLĐ, BNN./.
Minh Hưng
TAG: