Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Những khó khăn trong công tác cai nghiện bắt buộc ở Bình Định
02:26 PM 23/12/2016
(LĐXH)- Đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp hạn chế tái nghiện ở cộng đồng, song trên thực tế, việc áp dụng các văn bản liên quan đến công tác này ở Bình Định vẫn còn nhiều khó khăn.
Tình hình người nghiện vẫn còn những diễn biến phức tạp, tuy vậy, việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 300 đối tượng nghiện, chỉ tính riêng trong năm 2015, cơ quan điều tra đã bắt 49 bị can/24 vụ liên quan đến ma túy.
Khám sức khỏe cho đối tượng cai nghiệp bắt buộc ở Bình Định
Trên thực tế, nếu trước đây, đối với các đối tượng nghiện, khi kiểm tra phát hiện dương tính với ma túy thì cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục chuyển cho chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Nhưng từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực (7.2013), Nghị định 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biệp pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra đời và Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cùng được áp dụng từ đầu năm 2014, thì việc cai nghiện, quản lý người nghiện lại gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc sẽ do tòa án quyết định. Việc lập hồ sơ phải có xác nhận của trạm y tế cấp xã, nhưng hiện tại, 100% cán bộ trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh không có chứng chỉ đào tạo cắt cơn nghiện nên không đủ thẩm quyền để xác nhận người nào đó có nghiện ma túy hay không.
Theo ông Lê Thành Liễn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh, cho biết: Do những vướng mắc nêu trên nên số học viên đang được quản lý tại Trung tâm thấp hơn so với công suất. Cụ thể, công suất tiếp nhận của Trung tâm là khoảng 200 người; nhưng hiện tại chỉ quản lý 4 học viên, trong đó có 2 người thuộc diện cai nghiện theo quy định cũ, 2 trường hợp còn lại là tự nguyện. Trong năm 2015, có trên 20 học viên đến Trung tâm cai nghiện tự nguyện, riêng từ đầu năm 2016 đến nay chỉ có 1 học viên cùng một số đang làm thủ tục.
Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc theo các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu về vấn đề nhân quyền trước những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Tuy nhiên, có một số văn bản quy định đưa ra không phù hợp với thực tế như Nghị định số 221/NĐ-CP quy định để hoàn thiện hồ sơ thi hành cai nghiện bắt buộc đòi hỏi phải có biên bản bắt quả tang về hành vi sử dụng. Trên thực tế, người nghiện thường sử dụng lén lút, rất khó để phát hiện, bắt quả tang. Ngoài ra, hiện nay “vướng” nhất là xác định tình trạng nghiện. Điều này khó hơn trước đây nhiều, theo quy định, người nghiện phải có 3 ngày tự nguyện đến cơ sở y tế để theo dõi sau đó mới ký giấy xác nhận tình trạng nghiện. Điều này rất khó vì chẳng có người nghiện nào chịu nằm ở cơ sở y tế để theo dõi, xác nhận tình trạng nghiện. Cùng với đó, về điều kiện cơ sở vật chất ở các trạm y tế tuyến cơ sở của tỉnh chưa thể đáp ứng được. Dù cho toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế xã, phường. Với lại đây là việc xác định tình trạng nghiện đối với người nghiện ma túy dạng thuốc phiện. Còn đối với ma túy dạng tổng hợp thì phải ra khoa thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện thần kinh Trung ương mới xác định được.  
Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc
Không chỉ khó khăn về xác định tình trạng nghiện mà việc lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc vẫn còn nhiều vướng mắc. Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện nay cũng phải qua nhiều cơ quan như: Công an xã, Công an huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - TBXH, TAND cấp huyện nên mất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy trình, thời gian ra quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất  là 1 tháng. Ngoài ra, theo quy định trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên trách để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng cũng là một vấn đề rất khó khăn.
Những phức tạp, hệ lụy do người nghiện ma túy gây ra đang là vấn đề rất đáng lưu tâm, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh các quy định, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính  để việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được nhanh chóng, thuận tiện, đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương