Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Những khó khăn cần tháo gỡ trong điều trị methadone ở Quảng Ninh
01:50 PM 10/11/2016
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone được Quảng Ninh triển khai từ tháng 11-2011 thông qua việc khai trương Cơ sở điều trị methadone Cẩm Phả. Đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 4 cơ sở khác tại Hạ Long, Vân Đồn, Đông Triều, Uông Bí. Điều trị methadone giúp người nghiện đoạn tuyệt với ma tuý, giảm thiểu lây nhiễm HIV, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống gia đình và an ninh trật tự xã hội...
Cứu cánh cho người nghiện ma tuý
Số lượng bệnh nhân điều trị methadone trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm: Năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 68 bệnh nhân điều trị methadone, đến năm 2012 đã tăng lên 380 người; năm 2013 là 727 người. Tính đến hết tháng 5-2016, đã có 1.797 bệnh nhân đăng ký điều trị, trong đó 1.525 bệnh nhân đã được điều trị. Trong số trên 400 bệnh nhân đã dừng điều trị, có 34 trường hợp đã tử vong, 178 người bỏ trị (chiếm 41,5%), 102 người bị bắt đi cải tạo (chiếm 23,8%). Hiện tại, số bệnh nhân đang được điều trị là 1.083 người, trong đó có 413 trường hợp nhiễm HIV (384 người được điều trị ARV).
Nhân viên y tế tư vấn cho bệnh nhân điều trị methadone tại Cơ sở điều trị methadone Cẩm Phả.
Nhiều bệnh nhân cho biết rằng, sau khi ổn định liều methadone, độ “phê, sướng” của việc dùng ma tuý giảm rất nhiều và việc chích heroin hầu như không có tác dụng. Những bệnh nhân kiên trì, tuân thủ tốt điều trị, uống thuốc methadone đã từng bước hồi phục sức khoẻ, ổn định tâm lý, có thể làm việc, lao động bình thường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma tuý. Đặc biệt, chương trình methadone đã giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, hạn chế gia tăng các tội phạm liên quan đến ma tuý, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội. Như trường hợp anh Đ.V.M (56 tuổi, trú tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả): Cách đây hơn 2 năm, anh nghe theo bạn bè thử sử dụng ma tuý, sau đó mắc nghiện. Mới nghiện gần 1 năm mà anh tiêu tốn khá nhiều tiền của, lại không làm được việc gì. Sau đó, anh quyết tâm xin đi điều trị bằng methadone. Kết quả, chỉ sau 1 tháng, anh đã không còn tìm đến ma tuý nữa, sức khoẻ cũng tốt lên. Hiện, anh làm nghề xây dựng. Mỗi ngày, anh tranh thủ đến Cơ sở điều trị methadone Cẩm Phả uống thuốc rồi về làm việc. Thu nhập hàng tháng của anh đạt từ 6-8 triệu đồng.
Còn anh Đ.V.D (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ: “Tôi nghiện ma tuý nhiều năm rồi, ngày nào cũng phải tìm cho được một vài trăm nghìn để mua thuốc chích. Trong một lần đưa bạn đến điều trị methadone, tôi cũng quyết tâm xin vào điều trị tại Cơ sở điều trị methadone Hạ Long. Ở đây, tôi được các y, bác sĩ tư vấn, khuyên nhủ, động viên, tạo điều kiện rất nhiều. Sử dụng methadone, tôi đã tăng cân, ngủ tốt, tâm lý ổn định”. Bà M., mẹ bệnh nhân Đ.V.D phấn khởi: Lúc con tôi còn nghiện ma tuý, môi lúc nào cũng thâm, mắt lúc nào cũng dại, suốt ngày vật nài xin tiền mẹ để mua thuốc chích. Thế mà chỉ điều trị methadone chưa đầy một tháng, con tôi đã tăng 2kg, ăn ngủ điều độ, không xin tiền mua thuốc. Bất ngờ nhất là giờ cháu rất vui vẻ, thỉnh thoảng còn cất tiếng hát - điều mà khi còn nghiện ma tuý, chưa bao giờ tôi thấy được...
Những trăn trở
Trao đổi với bác sĩ Lê Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, được biết: Hiệu quả của việc điều trị methadone đối với người nghiện ma tuý là rất rõ ràng. Tuy nhiên, hiện, các cơ sở điều trị methadone trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc số bệnh nhân tăng dần lên, dẫn đến khó khăn cho một số cơ sở như Hạ Long, Cẩm Phả. TP Móng Cái là nơi tập trung nhiều người nghiện ma tuý nhưng chưa triển khai được cơ sở điều trị methadone. Bệnh nhân tại Vân Đồn và Đông Triều có đặc thù di biến động, khó đảm bảo tham gia điều trị với điều kiện ngày nào cũng phải uống thuốc.
Điều trị methadone, nhiều bệnh nhân có cải thiện về sức khoẻ, tinh thần nhưng không có việc làm ổn định, dễ dẫn đến tâm lý buồn chán, gò bó; họ rất dễ tái sử dụng ma tuý hoặc nghỉ điều trị methadone một vài ngày, tác động lớn đến kết quả điều trị. “Đặc biệt, nhiều bệnh nhân điều trị methadone bắt đầu tìm đến sử dụng methamphetamine (hàng đá). Methadone không có tác dụng ngăn chặn những tác động của methamphetamine. Do vậy, khi bệnh nhân sử dụng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, gây ảo giác, dẫn đến việc gây rối trật tự tại cơ sở điều trị methadone, va chạm với bệnh nhân khác hoặc không chấp hành nội quy cơ sở...” - bác sĩ Lê Thị Hoa lo ngại.
Một khó khăn nữa đối với các cơ sở điều trị methadone, đó là kinh phí. Hiện, việc điều trị methadone là hoàn toàn miễn phí, do đó, cơ sở điều trị không có thêm bất kỳ khoản thu nào khác. “Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, đòi hỏi quản lý vô cùng nghiêm ngặt. Bên cạnh việc quản lý, sử dụng nghiêm ngặt gây áp lực cho nhân viên y tế tại cơ sở, vấn đề an ninh tại cơ sở điều trị và khu vực lân cận cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, các cơ sở điều trị rất thiếu kinh phí cho những việc này...” - bác sĩ Lưu Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Cẩm Phả, kiêm Trưởng Cơ sở điều trị methadone Cẩm Phả chia sẻ.
Đến năm 2018, các tổ chức quốc tế sẽ dừng tài trợ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Quảng Ninh, trong đó có điều trị methadone. Năm 2015, tỉnh đã phê duyệt ngân sách địa phương để duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung và điều trị methadone nói riêng. Tuy nhiên, về lâu dài, việc thu phí dịch vụ là cần thiết. Trên toàn quốc, đã có một số tỉnh, thành phố tổ chức thu phí dịch vụ điều trị methadone nhưng việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn (bệnh nhân không đóng tiền, điều trị ngắt quãng, bỏ trị, gây gổ với nhân viên y tế…). Việc điều trị methadone lại cần thực hiện lâu dài và gần như suốt đời. Do vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cùng cần nghiên cứu việc kết hợp chương trình điều trị với dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm phù hợp, lâu dài cho bệnh nhân, giúp họ ổn định tư tưởng, dự phòng tái nghiện ma tuý; đồng thời có thu nhập để hướng tới đồng chi trả trong điều trị methadone. Như vậy, chương trình điều trị methadone mới có thể mang lại hiệu quả cao và bền vững hơn.
Hoàng Quý
TAG:
Tin khác
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Thái Nguyên: Bám sát thực tiễn, thực hiện tốt chính sách người có công
Đắk Nông: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang: Ngôi nhà ấp áp nghĩa tình
Quảng Ninh tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)