Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
(LĐXH)- Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, nghiên cứu đổi mới công tác khảo sát, thu thập, tổng hợp và phân tích, xử lý, dự báo ngắn hạn và dài hạn, công tác giải quyết việc làm ở Quảng Trị đạt được nhiều kết quả ghi nhận.
Hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 336.650 người. Trong đó, nam 174.343 người, chiếm 51,79% và tăng 0,18%; nữ 162.307 người, chiếm 48,21% và tăng 0,24%; khu vực thành thị là 111.690 người, chiếm 33,18% và tăng 0,22%; khu vực nông thôn 224.960 người, chiếm 66,82% và tăng 0,20%.
Tỷ trọng lao động có việc làm tăng lên ở khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm xuống ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 134.553 người, chiếm 40,82% trong tổng số lao động đang làm việc và giảm 0,70% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp - xây dựng 66.263 người, chiếm 20,10% và tăng 0,45%; khu vực dịch vụ 128.804 người, chiếm 39,08% và tăng 1,34% (cơ cấu 6 tháng đầu năm 2023 là: 41,24%, 20,08% và 38,68%).
Tỷ lệ thất nghiệp chung của người lao động tại Quảng Trị ước tính là 2,09%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của nam là 2,18% và của nữ là 1,99%; khu vực nông thôn là 2,24% và khu vực thành thị là 1,78%...
Bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Để đạt được mục tiêu giải quyết việc làm cho 12.500 lao động trong năm 2024, tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kết nối cung cầu lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm; quan tâm đến công tác giải ngân và cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cũng như các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác để tạo việc làm mới cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và hệ thống loa truyền thanh các xã về nhu cầu cần tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn...
“Đặc biệt, nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, số lao động được giải quyết việc làm của tỉnh Quảng Trị đều tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn” - Phó Giám đốc Lê Nguyễn Huyền Trang trao đổi.
Phát huy những kết quả đạt được, những tháng cuối năm 2024, Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu các ngành nghề đang và sẽ là xu hướng để kịp thời bổ sung vào danh mục, nhất là các ngành nghề đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề mới phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác cho vay, giải quyết việc làm; quan tâm giải quyết việc làm cho lao động miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số gắn với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia...
Chí Tâm