Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Buôn Đôn, từ năm 2010- 2014 thực hiện đề án 1956, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.962 lao động nông thôn (LĐNT), tập trung ở các nghề như: chăn nuôi, trồng trọt, may dân dụng, may công nghiệp, xây dựng dân dụng…Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 là 796 người, bao gồm: nhóm gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất canh tác, người tàn tật là 730 người, nhóm hộ cận nghèo là 5 người và nhóm lao động nông thôn khác là 61 người. Riêng số hộ nghèo tham gia học nghề có 39/796 người.
Tổng số LĐNT hoàn thành chương trình học và có chứng chỉ là 670 người. Sau khi được đào tạo, khoảng hơn 70% lao động có việc làm theo nhiều hình thức như được doanh nghiệp tuyển dụng, tự tạo việc làm…Riêng năm 2016, qua khảo sát, toàn huyện có khoảng 240 người đăng ký 8 lớp học nghề, trong đó Trung tâm Dạy nghề huyện Buôn Đôn được phân bổ kinh phí tổ chức 4 lớp, gồm: 3 lớp dạy nghề nông nghiệp, 1 lớp dạy nghề phi nông nghiệp.
Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Trong 5 năm qua, nhiều mô hình đào tạo nghề đã được huyện triển khai thành công. Tỷ lệ nhóm nghề nông nghiệp được đào tạo chiếm 64%, chủ yếu là đào tạo về chăn nuôi, trồng trọt. Về tỷ lệ đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm 36% như may công nghiệp, may dân dụng, xây dựng dân dụng… Sau khi học nghề, nhiều người đã biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động với mức thu nhập khá ổn định.
Hiệu quả rõ rệt của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là bản thân người học và gia đình của họ đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất để nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Kế (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) sau khi được tham gia lớp học chăn nuôi heo, được hỗ trợ các kỹ thuật và được xét duyệt vay vốn nên mạnh dạn đầu tư chuồng trại, phát triển trang trại chăn nuôi heo với 50 con heo nái, 500 con heo thịt. Thu nhập từ chăn nuôi heo đã giúp gia đình ông luôn có lợi nhuận khá.
Thành công của mô hình chăn nuôi heo cũng được lan tỏa ra ở các hộ dân khác trên địa bàn huyện, tiêu biểu như: hộ gia đình ông Vương Văn Bằng (thôn Sình Mây, xã Cuôr Knia) có trang trại nuôi 70 con heo nái, 350 con heo thịt; hộ bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) có trang trại nuôi 20 con heo nái, 300 con heo thịt…
Giai đoạn 2016- 2020, Buôn Đôn phấn đấu đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.400 LĐNT. Để đạt được mục tiêu đó, huyện sẽ tăng cường liên kết đào tạo với các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh nhằm tranh thủ đội ngũ giáo viên, chỉ tiêu và kinh phí đào tạo từ các trường liên kết. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo các cấp trong việc khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo và phối hợp thực hiện; tăng cường quản lý lĩnh vực dạy nghề, bảo đảm cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhu cầu thị trường lao động và tiềm lực của địa phương.
Sông Thương