Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Nhìn lại công tác Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững ở An Giang
09:45 AM 25/12/2024
(LĐXH) - An Giang là địa phương có dân số tương đối đông trong khu vực ĐBSCL, với khoảng 1,9 triệu người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 52,54% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 415 học viên thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với kinh phí dự kiến khoảng 508 triệu đồng, đạt tỷ lệ khoảng 14% kế hoạch đề ra. Năm 2024 cũng là năm thứ 3 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, tính đến nay, Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn đối tượng người lao động có thu nhập thấp. Do đó, địa phương chưa chủ động trong việc tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.
Người lao động tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm
huyện Tri Tôn năm 2024
Riêng tại huyện Tri Tôn, tính đến hết tháng 9/2024, huyện mở được 9 lớp dạy nghề cho 270 lao động nông thôn; 33 người tham gia xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Riêng trong tháng 11/2024, UBND huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm năm 2024. Hoạt động nằm trong Tiểu dự án 2, Tiểu dự án 3 của Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững), thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngày hội thu hút 18 công ty, DN trong lĩnh vực viễn thông, phát triển nguồn nhân lực, tài chính, cung ứng nhân lực quốc tế; cơ sở giáo dục và gần 1.000 NLĐ, học sinh lớp 12 trên địa bàn huyện tham gia.
Đến với ngày hội, NLĐ, học sinh, sinh viên được tìm hiểu, thông tin về ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao, mức thu nhập hấp dẫn, phù hợp với điều kiện bản thân; các nghề đào tạo, cơ hội việc làm ngay khi ra trường. Họ còn được thông tin về chính sách, nhu cầu tuyển dụng của công ty, DN; tìm hiểu quy trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…); điều kiện, thời gian, chi phí, mức lương, chế độ đãi ngộ khi tham gia xuất khẩu lao động...
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (đại diện Tập đoàn ICO Group tại An Giang) chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy, vấn đề hội nhập đào tạo và lao động quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng của từng địa phương. Các bạn trẻ muốn có bằng cấp, chứng chỉ quốc tế và đào tạo trong môi trường giáo dục hiện đại, đạt tiêu chuẩn công dân toàn cầu, có thể chọn hướng đi du học sau khi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn nâng cao tay nghề, học hỏi thêm kinh nghiệm làm việc, tích lũy tài chính, có thể chọn con đường xuất khẩu lao động”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, nhiều địa phương gặp khó khăn trong giải ngân kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Một số cán bộ lao động - thương binh và xã hội cho biết, công tác dạy nghề, mở lớp học được tổ chức tích cực, nhưng sau lớp học không gắn với việc làm. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Tịnh Biên, các xã, phường trên địa bàn đã triển khai nhưng nhu cầu của người dân không đăng ký tham gia. Địa phương đang cố gắng học hỏi các huyện khác để tăng cường mở lớp từ nay đến cuối năm.
Hay như tại huyện Chợ Mới, tính đến tháng 10/2024, huyện mới chỉ tổ chức được 11 lớp, bình quân có 30 người học/lớp. Đối với các xã báo cáo không có đối tượng học nghề, Phòng LĐTBXH huyện cũng yêu cầu rà soát, xác định rõ đối tượng đang sinh sống tại địa phương. Trong đó, sẽ tiến hành phân loại những đối tượng đang đi làm ngoài tỉnh, hoặc lao động đã học nghề và có còn phù hợp hay không… để trên cơ sở đó, Phòng LĐTBXH huyện sẽ có phương án trình UBND huyện về giải pháp, tổ chức lớp học phù hợp, sát với thực tế
Dự  kiến trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang sẽ tiếp tục cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, phương tiện đào tạo; phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã… Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc các đối tượng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; khẩn trương xây dựng đơn giá hỗ trợ đào tạo nghề trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật đào tạo trình độ ngắn hạn của 12 nghề đã được UBND tỉnh ban hành để làm căn cứ đặt hàng đào tạo.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: giáo dục nghề nghiệp
Tin khác
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo
Đồng Tháp nỗ lực triển khai Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững”
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở An Giang