Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Nhìn lại công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hướng Hóa và Đakrông
02:46 PM 26/06/2024
(LĐXH)- Thực hiện Tiểu dự án Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có khoảng 57.000 người, tập trung chủ yếu ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (người Vân Kiều và Pa Kô).
Trước đây, công tác đào tạo nghề cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hướng Hóa và Đakrông chưa được thường xuyên và liên tục; một bộ phận người lao động chưa thực sự quan tâm đến việc học nghề, đối tượng học nghề người dân tộc thiểu số có kinh tế khó khăn nên khó tham gia các lớp học nghề tập trung tại huyện… Chính vì vậy, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp, thiếu sinh kế bền vững ở hai địa phương này còn diễn ra khá phổ biến.
Trước thực trạng trên, nhiều năm quatỉnh Quảng Trị đã ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có huyện Hướng Hóa và Đakrông. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đào tạo nghề chăn nuôi thú y cho người lao động tại huyện Đakrông
Hiện nay, người lao động trên địa bàn Quảng Trị nói chung, người lao động ở huyện Hướng Hóa và Đakrông nói riêng đang được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, người lao động còn được thụ hưởng chính sách từ một số chương trình hỗ trợ khác của các tổ chức chính trị - xã hội.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, kinh phí dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phân bổ hơn 25 tỷ đồng, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phân bổ gần 18 tỷ đồng.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực được giao, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị đã phối hợp với UBND hai huyện Hướng Hóa và Đakrông chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan, UBND các xã, thị trấn tiếp tục phổ biến, quán triệt tốt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác đào tạo nghề đến tận người dân trên địa bàn, vận động người dân đăng ký tham gia các lớp học nghề để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn, nắm chắc nhu cầu đào tạo cho từng nghề, lĩnh vực; rà soát, quản lý đối tượng người học nhằm hỗ trợ đúng đối tượng (ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật...); tăng cường liên kết với các cơ sở dạy nghề thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động ở địa phương.
Theo báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đakrông, ngoài cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề hiện có, từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, đã huyện phân bổ kinh phí cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên xây dựng dãy nhà nội trú và các phòng học bộ môn với kinh phí phê duyệt giai đoạn 2022 - 2025 gần 10 tỉ đồng. Kết quả, trong năm 2023, toàn huyện mở 25 lớp đào tạo nghề cho 497 lao động, đạt 114% kế hoạch, trong đó nghề nông nghiệp 20 lớp 397 lao động; nghề phi nông nghiệp 5 lớp 100 lao động.
Được biết, trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị cũng đã phối hợp tổ chức hoạt động tham quan hướng nghiệp, gắn kết giữa doanh nghiệp với người học và người lao động của huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa (tại các làng nghề ở tỉnh Thừa Thiên Huế) cho 63 người; tổ chức 02 Hội thi tìm hiểu về chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm có lồng ghép nội dung về giới và bình đẳng giới tại huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa.
Bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị cho biết: Qua đánh giá, người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh nói chung, lao động ở huyện Hướng Hóa và Đakrông nói riêng sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2023, Quảng Trị đã tuyển sinh và hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 10.000 học viên, trong đó 2.686 người dân tộc thiểu số; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,66%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiểu được lợi ích của việc học nghề. Đặc biệt là tiếp tục tạo điều kiện cho lao động người dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa và Đakrông tiếp cận chính sách về đào tạo nghề để tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Yên Bái vượt kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề năm 2024
Yên Bái đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Hơn 59% lao động tại tỉnh Sóc Trăng đã qua đào tạo nghề
Sóc Trăng: Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số
Yên Bái nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Yên Bái
Sóc Trăng: Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sóc Trăng đẩy mạnh hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho người lao động
Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045