Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Nhiều kết quả đạt được trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở Đắk Lắk
09:59 AM 27/04/2017
(LĐXH) - Bình đẳng giới (BĐG) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của BĐG là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới BĐG thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Đắk Lắk thường xuyên tổ chức các lấp tập huấn nâng cao kiến thức bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ cho các cán bộ làm công tác Bình đẳng giới của các Sở, ban ngành, địa phương và đoàn thể trên địa bàn

Căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG trong Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020, trong những năm qua, Đắk Lắk đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu về công tác BĐG, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ.

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và  Xã hội tỉnh Đắk Lắk, thực hiện chiến lược Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, trên cơ sở điều kiện thực tiễn của tỉnh, Sở Lao động – TBXH tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1650/QĐ-UBND ngày 8 tháng 7 năm 2011 về  Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2015. Kế hoạch đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và bổ sung một số chỉ tiêu gắn với đặc thù của tỉnh như: chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo cấp ủy,  giải quyết việc làm cho lao động nữ, chỉ tiêu về giáo dục, đào tạo, y tế ... trên cơ sở kế hoạch của tỉnh các sở, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện.  Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xác định được trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác bình đẳng giới. Các huyện, thành phố, thị xã đã có kế hoạch chuyên đề về Bình đẳng giới. Công tác triển khai, kiểm tra, đánh giá, tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm.

Bên cạnh đó, Sở Lao động – TBXH còn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tích chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp với các cơ quan thống tấn báo chí của địa phương và Trung ương để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được đẩy mạnh ở các ngành, các cấp và được lồng ghép với nhiều hình thức và nội dung khác nhau về các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác BĐG và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.  Qua đó, nhiều mô hình truyền thông về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được duy trì hoạt động và tiếp tục mở rộng, một số mô hình được cải tiến để phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền đ­ược tăng cường cả về chất lượng, số lư­ợng và hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp,  các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác BĐG.

Với những nỗ lực đó, trong 5 năm qua ( 2011 – 2015) toàn tỉnh đã phấn đấu thực hiện đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực, như:  Về lĩnh vực chính trị, tỉnh đã phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ đảng từ 15% trở lên và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý‎, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.  Tính đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có 07/56 đồng chí, đạt 12,5 % so với kế hoạch (Kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là 15%). Cấp ủy cấp huyện, thị xã, thành phố đạt 14,20% so với kế hoạch (Kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là: 15%). Cấp ủy xã, phường, thị trấn đạt 17 % so với kế hoạch (Kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là: 15%). Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011–2016: cấp tỉnh 30%; cấp huyện, thị, thành phố 25%; cấp xã, phường, thị trấn 20%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII chiếm 33% so với kế hoạch (kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là 30%). Riêng nhiệm kỳ 2016 – 2021: Tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh đạt 22,35%, cấp huyện đạt 25,09%, cấp xã 26,04%.

Đồng thời, phấn đấu đạt tỷ lệ 70% các sở, ngành, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, như: Cấp tỉnh 01 Phó Chủ tịch/05 đồng chí, chiếm 20%. Cấp huyện 04 Phó chủ tịch là nữ/57 đồng chí, chiếm 7%. Cấp xã 58 đồng chí (12 Chủ tịch và 46 Phó Chủ tịch)/581 đồng chí, chiếm 9,9%. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ các cấp (từ phó phòng trở lên). Cấp tỉnh (các sở, ban, ngành chiếm 36,81%. Cấp huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột chiếm 13,48%. Phấn đấu đạt tỷ lệ 25% cơ quan, đơn vị thuộc tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ đảng viên trong tổng số mới kết nạp từ 45% trở lên.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động:  Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 62.880 lao động nữ/130.400 lao động, chiếm 48,2%. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 15%.  Hiện nay, số doanh nghiệp có nữ làm chủ là 865/6.087 doanh nghiệp, đạt 14,2% so với kế hoạch. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật 40%. Trong 5 năm đã đào tạo nghề, chuyên môn kỹ thuật cho 4.809 lao động nữ/11.896 lao động, đạt 40,4% so với kế hoạch;  giải quyết cho 390.978/1.057.417 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn/tổng số hộ nghèo được vay vốn ( trong đó,  giải quyết 148.056/278.999 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ là người dân tộc thiểu số được vay vốn/tổng số hộ người dân tộc thiểu số được vay vốn từ các nguồn tín dụng, chương trình việc làm, giảm nghèo).

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn về nghiệp vụ bình đẳng giới do Ngành LĐ - TBXH

tỉnh tổ chức

Trong lĩnh vực  giáo dục đào tạo: Công tác cán bộ nữ ở tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, tình hình cán bộ nữ có sự chuyển biến tích cực, tổng số cán bộ nữ ở hầu hết các đơn vị trong tỉnh đều tăng. Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ được quan tâm trên các lĩnh vực, nhiều đơn vị đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ. Do vậy, đội ngũ cán bộ nữ từng bước được phát triển, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng tăng lên ở các cấp, các ngành; tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo thạc sỹ ngày càng tăng, trình độ, năng lực được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong công tác. Ngoài ra, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ bằng tiền đối với cán bộ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.  Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 đạt 96,39%;  số học sinh nhập học không có sự khác biệt nhiều về nhận thức giữa bé trai và bé gái, đặc biệt là ở các cấp học. Công tác xoá mù chữ và chống tái mù chữ cho chị em phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú ý, tạo điều kiện  ngày càng tốt hơn

Trong lĩnh vực  y tế: Đã có các hoạt động tập trung nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình. Đổi mới và phát triển mạng lưới tư vấn sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính và tình dục an toàn vị thành niên. Tính đến nay tỷ số giới tính khi sinh là: 108 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ bà mẹ tử vong liên quan đến thai sản 49/100.000, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.  Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 100 kế hoạch, Giảm tỷ lệ phá thai xuống đạt 100% kế hoạch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đều có Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, các trạm y tế xã, phường từng bước được cung cấp trang thiết bị cơ bản, quĩ thuốc thiết yếu và phương tiện chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Trong lĩnh vực văn hóa – thông tin, thể dục, thể thao: Tính đến  nay đã giảm 40% sản phẩm văn hóa, thông tin còn mang định kiến giới. Còn về bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 73/184 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, với 273 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 472 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 527 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 416 tổ tư vấn về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. 

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và thường trực Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, trong 5 năm qua Sở LĐTBXH tổ chức 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện Luật Bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới,  lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; nữ đại biểu quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; báo cáo viên pháp luật của tỉnh, huyện, cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ các sở, ban, ngành đòan thể của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; thành viên Ban VSTBCPN tỉnh với trên 1200 đại biểu tham dự.  

Ngòai ra, một số ngành, địa phương đã tích cực mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo là nữ như: Sở Thông tin và truyền thông mở lớp “nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ lãnh đạo nữ”; Hội Liên hiệp phụ nữ “nâng cao năng lực cho lãnh đạo nữ các cấp Hội”; Ban vì sự tiến bố của phụ nữ huyện CưM’gar mở lớp bồi dưỡng kỹ năng ứng cử đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cho nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Đồng thời, trong 5 năm qua toàn tỉnh đã in 10.000 tờ gấp, gần  40.000 tờ rơi tuyên truyền về các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, gia đình và một số tài liệu tuyên truyền về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.   Biên soạn 1.500 cuốn Hỏi – đáp về bình đẳng giới bằng tiếng dân tộc (Êđê) để tuyên truyền đến người dân tộc thiểu số.  Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình, Báo Đắk Lăk thực hiện chuyên mục pháp luật và đời sống (trong đó có chuyên đề về Luật bình đẳng giới); xây dựng phóng sự về bình đẳng giới. Tổ chức cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với thông điệp “chung tay góp sức xây dựng gia đình Việt Nam bền vững” với tiêu chí “5 không” là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. “3 sạch” là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Ngoài ra, Sở còn  tổ chức 20 lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, với trên 1.400 người tham dự và  mở 29 lớp bồi dưỡng kiến thức bình đẳng giới cho gần 2.000 học viên là hội viên các câu lạc bộ pháp luật, tuyên truyền viên, già làng, trưởng bản, thôn buôn ...; tuyên truyền cho các công ty, doanh nghiệp (người sử dụng lao động, người lao động) về Luật bình đẳng giới và các văn bản liên quan

 Ông Nguyễn Duy Tuyết – Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động – TBXH tỉnh Đắk Lắk cho biết:  Bên cạnh kết quả nổi bật nêu trên, Công tác bình đẳng giới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đòan thể và cán bộ, công chức về công tác bình đẳng giới đã có sự chuyển biến, tuy nhiên chưa thực sự rõ nét, tích cực. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm tới công tác bình đẳng giới. Sự phối hợp của các sở, ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới chưa kịp thời.  Kiến thức về giới, bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép bình đẳng giới của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác bình đẳng giới nói riêng còn thiếu và yếu. Công tác tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn vì trình độ văn hóa, nhận thức của người dân tộc thiểu số thấp dẫn đến trình độ nhận thức về công tác bình đẳng giới rất hạn chế.  Khoảng cách giới vẫn còn khá lớn, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại và phần lớn nghiêng về phía phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ người đồng bào dân tộc, phụ nữ vùng sâu, vùng xa.

Vì vậy, để công tác BĐG ngày càng phát huy hiệu quả,  Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh một số giải pháp và kế hoạch triển khai về BĐG giai đoạn 2016-2020 như:  Sớm ban hành bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc lồng ghép giới và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế  xã hội để địa phương thực hiện đồng bộ đầy đủ. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức bình đẳng giới cho cán bộ chuyên trách và giảng viên nguồn cấp tỉnh.   

Tích cực quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu của công tác bình đẳng giới bằng những chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể, trong đó xác định việc tuyên truyền, triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về BĐG là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.  

Tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ nữ, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ưu tiên cho cán bộ nữ;  bố trí cán bộ, công chức và có chính sách phù hợp tham gia thực hiện công tác BĐG các cấp, nhất là ở cấp cơ sở để công tác bình đẳng giới Đắk Lắk ngày càng hiệu quả cao.

                                                                          Hoàng Cảnh

TAG:
Tin khác
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h