An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nhiều giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai thoát nghèo
02:11 PM 29/10/2018
Những năm qua, Gia Lai là một trong những địa phương vận dụng nhiều giải pháp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, hiện tỉnh Gia Lai còn 13,34% hộ nghèo, trong đó chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số (DTTS).
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đặt ra mục tiêu, đến cuối năm 2020, giảm số hộ nghèo xuống dưới 7% và số hộ nghèo trong đồng bào DTTS xuống dưới 15,2%.
Từ chỗ gia đình thiếu đói đến việc thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng từ cao su, cà phê và điều, chị Rơ Lan H’Blơn, ở làng Đo, xã Ia Dơk ( huyện Đức Cơ, Gia Lai) nói với chúng tôi: “Tôi và nhiều gia đình ở địa phương vươn lên thoát nghèo nhờ hai yếu tố. Một là, tính chủ động dám nghĩ, dám làm của mỗi hộ gia đình. Hai là, sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và Công ty 74, Binh đoàn 15. Theo đó, gia đình tôi và bà con làng Đo thường xuyên được cán bộ địa phương và Công ty 74 tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây điều, cao su, cà phê. Nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ vốn, nông cụ, phân bón để phát triển sản xuất”.

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã có ý thức vươn lên thoát nghèo
Tương tự, trước đây gia đình chị Rơ Châm H’Yớ, ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông (Chư Păh, Gia Lai) là hộ nghèo vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và không áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, dẫn đến vườn cây cằn cỗi, năng suất thấp, thu không đủ bù chi. Sau khi rà soát lại hộ nghèo trên địa bàn, xã Ia Mơ Nông phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện Chư Păh cho gia đình chị Rơ Châm H’Yớ vay vốn, vận động tham gia lớp học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê do xã phối hợp với Trường Trung cấp nghề 15 (Binh đoàn 15) tổ chức tại địa phương. Đồng thời, khuyến khích gia đình chị trồng tái canh cà phê để thoát nghèo. Năm 2016, gia đình chị Rơ Châm H’Yớ được huyện Chư Păh hỗ trợ giống, kỹ thuật để trồng tái canh cây cà phê và trồng xen cây ăn quả, như: Sầu riêng, mít Thái, bơ ghép… Đến nay, gia đình chị Rơ châm H Yớ có 0,6ha cà phê trồng xen cây ăn quả; 0,5ha cà phê kinh doanh; 0,2ha đất lúa 2 vụ; 0,5ha cây bời lời; chăn nuôi 5 con bò, 3 con heo, cho thu nhập hằng năm khoảng 120 triệu đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Tỉnh ủy Gia Lai “về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu: Đến cuối năm 2020 giảm số hộ nghèo xuống dưới 7% và số hộ nghèo trong đồng bào DTTS xuống dưới 15,2% (bình quân mỗi năm giảm 5%). Toàn tỉnh có hơn 125 xã/184 xã tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%, đạt tiêu chí hộ nghèo trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020) so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh xuống dưới 5%.
Hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS và cộng đồng xã hội về giảm nghèo bền vững, huy động toàn xã hội vào cuộc với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” và triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Tỉnh cũng giao kế hoạch giảm nghèo cho các địa phương và tổ chức cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện mục tiêu giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS.
Theo đó, Tỉnh ủy chỉ đạo phân công cán bộ trực tiếp phụ trách công tác giảm nghèo ở các thôn, làng có tỷ lệ hộ DTTS nghèo so với tổng số hộ DTTS hơn 50%. Đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững vào tiêu chí chủ yếu đánh giá cán bộ, công chức và đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng tập thể, cá nhân hằng năm ở các địa phương. Xây dựng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư giảm nghèo, đặc biệt là các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, vận động doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “An sinh xã hội”; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì người nghèo”…

Anh Sơn
 
TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh