Tuy nhiên, công tác GDNN của Trà Vinh trên thực tế cũng đang gặp một số khó khăn, tồn tại như việc phân luồng học sinh học trung học cơ sở đi học nghề còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trường nghề còn thấp, đặc biệt là vào các trường công lập. Công tác liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thực sự chủ động tham gia hợp tác với các cơ sở GDNN. Chế độ chính sách cho cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành GDNN chưa thu hút đông đảo đội ngũ có chuyên môn giỏi về công tác tại các cơ sở GDNN. Đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, thiếu nhà giáo dạy các nghề mới, nhà giáo giỏi chuyên môn kỹ thuật và có kỹ năng nghề cao. Các Trung tâm GDNN-GDTX thiếu giáo viên để thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động GDNN đào tạo sơ cấp phục vụ nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.
Nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp ở Trà Vinh
(LĐXH)-Hiện nay, tại Trà Vinh, người dân ngày càng hiểu rõ hơn các chính sách của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và tích cực tham gia học nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh.
Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các cơ sở khác đào tạo thường xuyên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tuyển sinh, đào tạo các cấp trình độ nghề cho 19.638 người lao động, học sinh, sinh viên, đạt 103,36% so với kế hoạch. Trong đó: Trình độ cao đẳng: 936 học viên; trung cấp: 727 học viên (có 551 học sinh học trung cấp kết hợp học văn hóa); sơ cấp: 1.990 học viên; đào tạo dưới 03 tháng: 2.481 học viên; đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng kỹ năng cho 7.780 người; kèm cặp nghề, tập nghề, truyền nghề trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã… cho người 5.787 lao động.
Trong năm, số học viên, học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp cấp bằng trung cấp, cao đẳng là 584 người (trong đó: trình độ cao đẳng: 475 sinh viên, trình độ trung cấp: 109 học sinh); cấp chứng chỉ sơ cấp và chứng chỉ đào tạo cho 4.316 người.
Nhìn chung, số người lao động của tỉnh có việc làm sau đào tạo nghề, có thêm việc làm mới hoặc tiếp tục làm công việc cũ nhưng năng suất và thu nhập cao hơn chiếm tỷ lệ trên 85%.
Bên cạnh đó, việc triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia đều có dự án về GDNN gặp nhiều khó khăn do đối tượng, địa bàn của chương trình có tính chất tương tự nên trên một địa bàn có thể thụ hưởng kinh phí từ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau, tạo sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng. Tiêu chí xác định lao động thu nhập thấp vẫn chưa được hướng dẫn, trong khi 3 nhóm đối tượng còn lại là “người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo” số lượng nhu cầu đăng ký học nghề còn hạn chế và không phải tất cả đều có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Quyết tâm vượt qua những khó khăn, năm 2024, Trà Vinh phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo là 69,67%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 36,10%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cũng đăng ký tuyển sinh đào tạo nghề cho 19.000 người, trong đó, trình độ cao đẳng vào trung cấp là 1.630 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 4.500 người, đào tạo thường xuyên cho người lao động: 12.870 người (theo hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề).
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tiếp tục triển khai các văn bản hướng dẫn Luật GDNN, Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, các chính sách đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong GDNN, khuyến khích phát triển GDNN, phát triển đánh giá kỹ năng nghề, hỗ trợ các nhóm yếu thế khi tham gia học nghề. Tổ chức phối hợp, huy động các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tham gia thông tin tuyên truyền công tác GDNN và việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện, cơ cấu, tổ chức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về GDNN ở cấp huyện; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị cơ sở GDNN góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Tập trung cho đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động gắn với Kế hoạch nâng cao chỉ số Đào tạo lao động. Tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Hướng dẫn hoạt động chuyển đổi số trong GDNN.
Cùng với đó, Sở tiếp tục phối hợp với địa phương các cơ sở GDNN triển khai hiệu quả các Tiểu dự án, nội dung về GDNN thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên rà soát nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức đào tạo nghề sát thực tế. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp dịch vụ công trong đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia đầu tư thành lập cơ sở GDNN và đăng ký hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở sẽ tăng cường tổ chức kết nối, phối hợp giữa các Trường, Trung tâm, các cơ sở hoạt động GDNN với các ban ngành, đoàn thể, đơn vị dịch vụ việc làm, đơn vị dịch vụ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã ..v..v.. để thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; trong đó tăng cường tổ chức phối hợp, tiếp cận để đẩy mạnh đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong doanh nghiệp
Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với các đối tượng người học, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS học lên trình độ trung cấp, cao đẳng (chương trình 9+); thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.
Sở cũng sẽ thực hiện thường xuyên việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và đánh giá hiệu quả các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.
Nhật Hằng