Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Hệ thống pháp luật về ATVSLĐ đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các quy định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Quốc hội đã thông qua 2 Bộ Luật, 2 Luật liên quan đến ATVSLĐ, trong đó năm 2015, Quốc hội thông qua Luật ATVSLĐ. Luật ATVSLĐ thay đổi cơ bản về cách tiếp cận, lấy phòng ngừa làm nguyên tắc cơ bản, đồng thời mở rộng sang cả khu vực đối với người không có quan hệ lao động. Từ năm 2013 đến 2023, Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định (trong đó có 8 Nghị định liên quan đến ATLĐ trong các lĩnh vực đặc thù), các Bộ ban hành 135 Thông tư (trong đó có 30 Thông tư liên quan đến ATLĐ trong lĩnh vực đặc thù). Các địa phương đã ban hành Nghị quyết và các quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương, trong 10 năm đã có khoảng 50.000 số lượng tin, bài, cuộc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 10 năm đã in ấn, phát hành 51.438.143 tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tranh, áp phích tuyên truyền; 33.500 cuốn sổ tay An toàn vệ sinh tới người lao động và an toàn vệ sinh viên; 59.826 bản tin, phóng sự, tọa đàm, hội thảo, phỏng vấn, tin bài về ATVSLĐ.
Trung bình mỗi năm, các bộ, ngành trung ương tổ chức đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ khoảng trên 10.000 lớp, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố đã tổ chức lớp trên 46.000 lớp đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho hàng triệu người lao động không có quan hệ lao động. Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 191.481 lớp tập huấn cho 12.977.110 lượt người lao động và an toàn, vệ sinh viên. Từ năm 2013 đến nay ở cấp trung ương đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho khoảng 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, người làm công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Giai đoạn 2013-2023, đã có hơn 2000 đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSLĐ được triển khai tại các Bộ ngành trung ương; hơn 266.000 đề tại triển khai trong hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; gần 3000 đề tài triển khai tại các địa phương. Có những đề tài có hướng tiếp cận hiện đại, phù hợp với triết lý quản lý ATVSLĐ mới. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ được quan tâm từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương. Qua 10 năm, đã có hơn 51.000 cuộc thanh tra, kiểm tra cùng hơn 313.000 kiến nghị về ATVSLĐ.
Ông Hà Tất Thắng cũng cho biết mục tiêu trong thời gian tới là phấn đấu giảm tần suất tai nạn lao động chết người trung bình hằng năm 4%; tăng số người được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trung bình hằng năm thêm 5%; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ… để đạt được mục tiêu đề ra cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò giám; Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sức khỏe, tính mạng của người lao động và phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; nâng cao chất lượng đơn vị tham mưu về công tác ATVSLĐ ở các cấp, các ngành...
Hội nghị cũng được nghe báo cáo kết quả triển khai công tác ATVSLĐ của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong 10 năm qua. Các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và những kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tới./.
Nguyễn Hiền