Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: “Nhà văn sinh ra không phải để sống trong nhung lụa”
08:11 AM 13/02/2025
"Tôi quan niệm nhà văn sinh ra không phải để hưởng thụ, để sống trong nhung lụa, “lên xe xuống ngựa”. Với tôi, nhà văn phải lăn lộn trong cuộc sống. Cái đầu của tôi không tập trung vào việc tích trữ vàng mà chỉ tích trữ câu chữ" - nhà văn Võ thị Xuân Hà chia sẻ.

Định mệnh dẫn lối cô giáo dạy Toán viết văn

- Một cô giáo dạy Toán khoảng 10 năm bén duyên với nghiệp sáng tác như thế nào?

Từ một cô giáo dạy Toán để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, tôi đã trải qua một quá trình dài, gian nan không nói được hết.

Tôi học rất giỏi từ nhỏ kể cả Toán lẫn Văn. Tôi cũng thích viết lách từ nhỏ nhưng chọn làm giáo viên dạy Toán do mong muốn của mẹ muốn tôi làm cô giáo. Mà đi dạy thì tôi chọn bộ môn Toán, với tư duy tự nhiên. Dù nhiều năm giảng dạy môn học tự nhiên nhưng tôi vẫn luôn ấp ủ việc muốn sáng tác văn chương.

Tôi không muốn làm mọi thứ chỉ theo bản năng. Chính vì vậy, tôi đã quyết định học hành bài bản để theo nghiệp viết.Mọi người thường nhận xét, tôi là nhà văn nhưng mang tư duy của “dân tự nhiên”, dứt khoát, ngắn gọn, không dài dòng. Sự lãng mạn bay bổng trong tôi cũng có nhưng không quá nhiều. Đến tận giờ tôi vẫn luôn luôn thấy mình phải học rất nhiều.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà luôn có cái nhìn tích cực khi sáng tác. Ảnh: Tùng Đoàn.

- Một nhà văn cá tính như chị đặt ra những nguyên tắc nào đặc biệt khi sáng tác?

Có chứ! Nếu không có nguyên tắc thì không bao giờ làm được gì cả.

Có chứ! Nếu không có nguyên tắc thì không bao giờ làm được gì cả.Năm 2011, tôi đã hình dung mình sẽ viết một cuốn tiểu thuyết “Câu chuyện của nàng Thê”. Nhưng lúc đó, tôi nghĩ mình chưa đủ trải nghiệm để viết một cuốn tiểu thuyết như mình mong muốn. Nên tôi thả lỏng sống và trải nghiệm. Đến năm 2022, tôi nghĩ mình đã đủ trải nghiệm và bắt buộc phải hoàn thành. Tôi đã quyết định lập kênh YouTube rồi viết được chương nào sẽ đọc và phát luôn chương đó để ép mình phải hoàn thành cuốn tiểu thuyết.

Tôi kể ví dụ trên để thấy, nguyên tắc của tôi là “đánh nhanh thắng nhanh”, dồn hết năng lượng để đạt được mục tiêu đã đề ra sẵn. Mọi người thường nói đến tôi là nhà văn viết truyện ngắn rất nhanh. Nhưng thực ra là tôi thuộc tuýp nhà văn bướng bỉnh và khắt khe với chính mình để hoàn thành công việc.Khi đã đặt ra kế hoạch, ra lệnh cho chính mình thì dù có khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ cố gắng bằng mọi giá hoàn thành mục tiêu.

- Khi sáng tác, chị có một thế giới riêng nào để chìm đắm?

Nhà văn viết theo cảm hứng thì không gọi là nhà văn chuyên nghiệp. Đã bước vào lĩnh vực văn chương chuyên nghiệp thì luôn có một thế giới riêng nuôi dưỡng cảm xúc. Mạch nguồn cảm xúc luôn tiềm ẩn bên trong, chỉ cần biết cách lấy ra khi viết thôi. Quá trình sống, trải nghiệm đã nuôi cho tôi những cảm xúc trong thế giới riêng đó.

Tôi thường chọn ban đêm để sáng tác vì có thể tập trung nhiều hơn vào thời điểm đó.

- Có phong cách, đặc điểm riêng biệt, cá tính nào chị đã tạo dựng trong suốt mấy chục năm nghiệp viết của mình để người ta cứ đọc là biết đó là Võ Thị Xuân Hà?

Tôi hiện tại có khoảng 36 tập truyện kể cả ghi chép trong đó có 3 cuốn tiểu thuyết (sắp 4-5 cuốn trong năm 2025. Chắc rằng chỉ có những nhà phê bình hay độc giả sẽ nhìn ra chất văn riêng của tôi.

Trung tâm L’Espase Hà Nội từng tổ chức một buổi tọa đàm có tên “Không gian đa chiều trong bút pháp Võ Thị Xuân Hà”. Truyện của tôi được mọi người nhận xét là đa phần dòng hiện thực xen huyền ảo tâm linh, nhiều tầng ngữ nghĩa, gây ám ảnh, đọc một lần không hiểu được hết mà phải đọc nhiều lần, phải nghiền ngẫm như cách thưởng thức một không gian đa nghĩa.

- Theo chị, điều gì tạo nên giá trị và sự công nhận dành cho các tác phẩm của mình?

Tôi nghĩ đó chính là độc giả. Tôi có một lượng độc giả nhất định thích cách viết của mình. Dùng từ “hy sinh thân mình” thì hơi to tát nhưng tôi thực sự là người “tử vì đạo”.

Tôi quan niệm nhà văn sinh ra không phải để hưởng thụ, để sống trong nhung lụa, “lên xe xuống ngựa”. Với tôi, nhà văn phải lăn lộn trong cuộc sống. Cái đầu của tôi không tập trung vào việc tích trữ vàng mà chỉ tích trữ câu chữ.

Trong suốt hơn 40 năm cầm bút, nhà văn Xuân Hà luôn khắt khe với chính mình. Ảnh: Tùng Đoàn.

Là nhà văn cấp tiến nhưng luôn khắt khe, làm khó chính mình

- Con người Võ Thị Xuân Hà ở ngoài có “đa tầng” giống như những cuốn sách mình đã viết?

Trong sáng tác câu chữ và công việc, tôi là một người luôn khát khao hướng đến những thay đổi, những nền tảng văn minh mới của loài người. Tôi thường để mọi người thoải mái nhưng phải đảm bảo hiệu quả công việc. Khi viết tôi cũng nhìn nhận mọi sự vật sự việc bằng con mắt của thời đại mới. Tôi không nhìn vào lỗi lầm của người khác mà chỉ mong họ thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, với cuộc sống riêng, với chính bản thân, tôi lại rất khắt khe, giữ gìn. Có lẽ tính cách của tôi được hình thành bởi sự giao thoa từ ba vùng miền: Sinh ra lớn lên lập nghiệp ở Hà Nội, cùng sự giáo dục của mẹ tôi, một người con gái Đà Lạt, và tiềm ẩn văn hóa gốc - nội lực bên trong dòng máu quê nội xứ Huế của cha tôi. Cá nhân tôi sống theo lối truyền thống, kín đáo, không thích phô trương.

- Nhiều người nói là nhà văn khổ, vừa khổ vì suy nghĩ nhiều, vừa nghèo về vật chất, điều đó liệu có đúng?

Tôi quan niệm nhà văn không được phép nghèo. Bởi nghèo sẽ có thể trở nên hèn. Ngoài nghiệp viết, tôi còn kinh doanh và làm nhiều thứ khác nữa. Nhưng cho dù tôi có quyết tâm như thế nào đi chăng nữa cũng không thể trở thành một nhà văn “đại gia” nhiều tiền của. Tôi chỉ không nghèo vốn liếng câu chữ thôi bởi tôi không có nhiều thời gian, cũng không thể tập trung năng lượng cho những việc làm giàu về kinh tế. Tôi phải tập trung sáng tác. Nên tôi nói nghiệp văn chương là phải “tử vì đạo” là như vậy.

Bất cứ việc gì cũng có mặt phải, mặt trái, có xuôi, có ngược. Nhà văn đích thực rất khó có thể giàu có về vật chất, nếu suốt đời chỉ tập trung rèn luyện câu chữ. Nhưng sẽ rất giàu tình yêu thương của muôn độc giả. Và đó là hạnh phúc của nhà văn. Tôi tin như vậy.

Với nhà văn Xuân Hà, một nhà văn đích thực không bao giờ giàu có về vật chất. Ảnh: Tùng Đoàn.

-Người ta vẫn quen Võ Thị Xuân Hà là một nhà văn "người lớn", nhưng chị cũng có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cho thiếu nhi, điều gì giúp chị có thể đa dạng trong phong cách viết như vậy?

Tôi từng là nhà báo phụ trách trang viết đầu tay ở “Trang viết đầu tay” của báo Thiếu niên tiền phong; cộng tác viết truyện cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng... Truyện dài “Chiếc hộp gia bảo” tôi viết đã được dựng thành phim chiếu rạp, được nhiều người biết đến và yêu mến. Tôi cũng vốn là cô giáo dạy Toán cấp Hai và rất thích viết cho trẻ con. Tôi từng chia sẻ và có ý “phàn nàn”, truyện thiếu nhi của tôi được nhiều người biết đến nhưng những nhà văn viết cho thiếu nhi luôn quên mất khi điểm tên tôi.

-Theo chị, viết sách cho thiếu nhi và người lớn khác nhau như thế nào và viết cho thiếu nhi thì cần cẩn trọng điều gì?

Tôi thấy không khác gì nhau, tâm thế khi viết của tôi vẫn thế. Chỉ là tác phẩm hướng tới đối tượng nào thì mình sẽ đặt tâm thế vào nhân vật cốt truyện của đối tượng đó. Khi viết cho thiếu nhi, tôi đặt mình vào vị trí của nhân vật trẻ con.

Tôi luôn nhìn nhận sự vật sự việc một cách tích cực. Dù câu chuyện có bi đát, khổ sở nhưng đọc truyện của tôi không làm người ta cảm thấy bi quan đến tận cùng. Tôi nghĩ sứ mệnh làm nhà văn của tôi không phải để ca thán, đưa người ta đến ngục tối không lối thoát, mà là xây dựng tụng ca cuộc đời này.

Đau đáu về sứ mệnh làm cầu nối

- Không chỉ là người viết chăm chỉ, được biết chị còn tâm huyết xây kênh trên mạng xã hội để đọc truyện, đó liệu có phải một cách tiếp cận mới, thúc đẩy giới trẻ nhiều hơn về việc phát triển văn hóa đọc?

Tôi không dám tự hào là mình hiểu biết nhiều về công nghệ nhưng tôi từng sáng lập và phụ trách duy trì Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC. Trong Trung tâm có trang web (tonvinhvanhoadoc.net); cũng có một kênh YouTube (Cầm Kỳ Official) về văn học nghệ thuật được mọi người quan tâm.

Để viết văn thực ra ngày nào chúng tôi cũng phải học, tu dưỡng và luyện rèn. Nói như vậy không phải là ngày nào tôi cũng cầm bút viết ra nháp. Nếu như vậy sẽ có những câu chuyện nhàm chán, không đổi mới. Công nghệ thông tin làm cho tôi có được tư duy mở.

Trong khoảng thời gian hàng chục năm, tôi là Phó Ban Thường trực Ban Sáng tác, rồi Trưởng ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi cũng từng làm Tổng biên tập tờ Tạp chí Nhà văn (Tác phẩm mới trước đây). Hơn 20 năm làm các công tác chuyên môn nghiệp vụ và công tác Đảng ở Hội Nhà văn Việt Nam… Từ những vị trí như vậy, tôi có rất nhiều mối quan hệ trong ngành và có thể có nhiều tác giả muốn tôi giới thiệu hay đọc tác phẩm của họ trên các nền tảng web, YouTube thuộc Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC.

Tôi cũng không chỉ giới thiệu và đọc những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng mà còn là “cầu nối” giữa các tác giả trẻ với độc giả. Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC chưa làm được gì to tát nhưng mọi người cũng đánh giá đó là một “địa chỉ” uy tín trong nghề.

Với tôi, đây là những kênh truyền thông cho độc giả cả nước, nước ngoài biết có một đội ngũ nhà văn Việt Nam như thế.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà luôn muốn giữ gìn văn hóa đọc truyền thống. Ảnh: Tùng Đoàn.

- Trong xã hội hiện đại, văn hóa đọc hiện nay dường như bị giảm sụt nhiều trong giới trẻ, theo chị, có biện pháp nào để giúp các bạn trẻ không quên đi việc đọc sách mỗi ngày?

Tôi nghĩ cả cuộc nói chuyện này chứa đựng về vấn đề văn hóa đọc. Tất cả những việc tôi làm như mở trang web, nở kênh YouTube thuộc Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC, hay làm cầu nối giữa các nhà văn trẻ với độc giả đều là để chủ yếu giữ gìn văn hóa đọc truyền thống. Văn hóa đọc hiện đại bây giờ nhiều hướng phát triển lắm. Tôi coi đó là tiến bộ phát triển của loài người. Đọc gì cũng là đọc nhưng viết thì phải cẩn thận. Không phải cứ ngồi trên máy tính viết truyện rồi được mọi người trên mạng tung hô đã là nhà văn đâu. Điều đó khiến người viết dễ bị chủ quan. Câu chữ phải chắt lọc như những viên ngọc, không nhả lung tung ra được.

Tôi là người muốn giữ gìn văn hóa đọc truyền thống vì đó vẫn là nền tảng chắc chắn nhất. Khi một người đọc sách, mắt họ nhìn vào trang giấy và trí não tư duy họ sẽ tập trung hơn là đọc trên các nền tảng hiện đại khác. Nhưng chúng ta vẫn phải tìm hiểu về văn hóa đọc trên các nền tảng hiện đại vì nếu không học hỏi thì chúng ta sẽ lạc hậu, bỏ qua một mảng rất lớn của văn hóa đọc, là thành tựu văn minh của loài người.

- Giới trẻ quen đọc những văn học dễ dãi trên mạng, nhiều nhà văn trẻ hiện nay gặp khó khăn với nghề, chị có lời khuyên nào với họ?

Có những nhà văn chỉ viết rất ít nhưng được tung hô rất nhiều. Có những nhà văn âm thầm làm việc nhưng không được biết đến nhiều. Đó là thiệt thòi của họ và cũng là thiệt thòi cho cộng đồng.

Tôi luôn khuyên các nhà văn trẻ luôn phải hài hòa, không bám chấp cái gì nhất định. Ở đời cái gì cũng vậy, mình đã chọn con đường đi riêng biệt nhưng cũng vẫn phải học hỏi. Tôi hiện tại vẫn phải học, học những người hơn mình và cả những người trẻ. Vẫn là con đường mình chọn, vẫn là lối viết đó nhưng giọng văn của mình sẽ phong phú hơn, tạo nên câu chữ không bị nhàm chán, đổi mới hơn nếu bạn luôn biết học hỏi cái mới để bổ sung trên nền tảng truyền thống.

Băng Tâm

TIN LIÊN QUAN
TAG: Võ Thị Xuân Hà
Tin khác
Hôn phu H'Hen Niê: Nhiếp ảnh gia hướng nội, bị vợ chưa cưới block vì lý do bất ngờ
“Cha tôi, người ở lại” và “Những chặng đường bụi bặm” khai sóng khung giờ phim Việt mới
Tài tử 'Cá mực hầm mật' bị bắt giữ
Lọ Lem - con gái Quyền Linh: Vóc dáng trong veo ngọt ngào với tứ thân
Diễn biến mới cuộc chiến giành quyền nuôi con và chia tài sản của Từ Hy Viên
Harry Kane ghi tên vào lịch sử sau khi giúp Bayern Munich chiến thắng
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: “Nhà văn sinh ra không phải để sống trong nhung lụa”
Vũ Cát Tường thề hẹn cùng nắm tay vợ đến hết đời
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025