Nguy cơ thừa cân, béo phì từ sử dụng đồ uống có đường
(LĐXH)- Việc sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa ở cả người trưởng thành và trẻ em.
Sáng 5/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.
Dự Hội thảo có ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO Việt Nam; BS. Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam; BS. Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam... cùng các phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải cho biết, đi cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, các đồ uống có đường ngày càng phổ biến trên thị trường, mức tiêu thụ ngày càng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở trẻ em và vị thành niên.
Việc sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa ở cả người trưởng thành và trẻ em, do làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể dẫn tới gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong.
Việc tổ chức Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng, với mục tiêu đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong việc kiểm soát tiêu dùng đối với sản phẩm này.
Thông qua Hội thảo, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí sẽ cập nhật những thông tin, kiến thức mới liên quan đến tác hại của đồ uống có đường, hệ lụy đối với sức khỏe và biện pháp quản lý tiêu dùng đối với sản phẩm này. Từ đó viết tin bài tuyên truyền giúp nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong sử dụng đồ uống có đường, giúp phòng, chống các yếu tố nguy cơ và dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm.
TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với sức khoẻ người dân, điều tiết và hạn chế sử dụng các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia, đồ uống có đường quá mức. Tuy nhiên, để xây dựng Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn, cần bắt đầu thực hiện một số biện pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.
TS. Angela Pratt nhấn mạnh, ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.
Theo nghiên cứu của WHO cho thấy, trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế. Bằng chứng cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Đến nay đã có hơn 100 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống có đường.
Theo khuyến nghị của WHO, để có thể giảm mức tiêu thụ đường và chặn đứng mức gia tăng đại dịch béo phì và đái tháo đường, các quốc gia cần thực hiện 3 nhóm giải pháp gồm: Áp thuế với đồ uống có đường; hạn chế quảng cáo đồ uống có đường với trẻ em; truyền thông về tác hại của việc sử dụng đồ uống có đường không hợp lý.
Các chuyên gia đều khẳng định, chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người. Có nhiều phương pháp áp thuế, có thể đánh thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường, thuế tuyệt đối theo thể tích, thuế theo giá xuất xưởng, tuy nhiên, cần tính phương án khả thi để đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường.
Đồng thời, lượng hoá tác động đến việc thay đổi cân nặng, mức giảm dự kiến của tỷ lệ thừa cân, béo phì và đái tháo đường tuýp 2 nhưng không gây sốc với ngành công nghiệp giải khát./.
Hồng Hà
TAG: