Chi tiền triệu/tháng để học tập thoải mái
Gần đây, các không gian học tập chuyên biệt, văn phòng mở (Open space) được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Với mức giá từ 25.000 đến 30.000 đồng cho 3 giờ học, dịch vụ này ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên và người làm việc tự do. Các chủ mô hình này cũng tận dụng để mở rộng nhằm đáp ứng thêm nhu cầu của những bạn trẻ.
Tại open space trên đường Nguyễn Văn Tuyết (Ngã Tư Sở, Hà Nội), nhiều bạn trẻ ngồi cả ngày để học tập và làm việc. Chị Dương (26 tuổi, Đống Đa) chia sẻ: “Chỉ với 30.000 đồng cho 3 đến 4 giờ và 50.000 đồng là có thể ngồi làm việc cả ngày, tôi cảm thấy chi phí rất hợp lý”.


Chị Dương thường đến đây khoảng 4 đến 5 ngày mỗi tuần để tự học tiếng Trung, chi phí khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể mua nước và đồ ăn kèm. Chị Dương cho biết, đây là lựa chọn tiết kiệm hơn so với việc ngồi quán cà phê ồn ào, vừa tốn gấp đôi chi phí lại thiếu không gian yên tĩnh. “Học ở nhà thì tôi không tập trung được, cảm giác bí bách. Thỉnh thoảng, tôi muốn đổi gió để thoải mái đầu óc hơn”, chị chia sẻ.
Tương tự chị Dương, Minh Hải (19 tuổi, sinh viên Đại học Điện lực) cũng tới các không gian tự học và làm việc này từ 3 đến 4 lần mỗi tuần để học tập. “Mỗi lần tôi thường ngồi khoảng 3 tiếng, chi phí cho việc học tại đây là khoảng 300.000 đến 400.000 đồng mỗi tháng”, Hải cho biết.
Theo Hải, khi học ở nhà thường mất động lực nên tìm đến những quán tự học để thay đổi không khí và lấy lại tinh thần. Không gian ở các quán tự học rộng rãi, yên tĩnh, giúp Hải tập trung hơn vì không bị làm phiền bởi tiếng ồn của người khác trò chuyện như ở các quán cà phê.


Cũng tại quán này, Thu Hà (21 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến. So với quán cà phê, nơi này yên tĩnh hơn rất nhiều. Mức giá cũng rất hợp lý, chỉ bằng một cốc cà phê nhưng tôi có thể ngồi cả ngày ở đây”, Hà cho biết.
Tại một open space khác trên phố Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội), nhiều bạn trẻ tìm đến để đọc sách và học tập. Mức giá tại đây là: 25.000 đồng cho 3 giờ, 49.000 đồng cho 6 giờ và 69.000 đồng cho 9 giờ.
Nguyễn Trạng (17 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đã ngồi nhiều lần ở đây nhưng lần nào cũng chỉ tốn khoảng 25.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với các quán cà phê có giá đồ uống từ 50.000 đến 60.000 đồng/cốc. Ngồi lâu ở quán cà phê thường cảm thấy ngại vì khách đông mà mình ngồi lâu. Những quán để làm việc riêng như thế này là lựa chọn hợp lý cho các bạn học sinh, sinh viên như tôi”, Trạng nói.
Theo Trạng, những mô hình học tập như thế này cho phép linh hoạt về thời gian học tập mà không lo bị làm phiền hay mất tập trung, điều mà các quán cà phê không thể đáp ứng.



Bên cạnh học sinh, sinh viên, không gian này cũng ngày càng thu hút sự quan tâm của những freelancer (người có công việc linh hoạt về thời gian và không gian). Chị Ngọc Anh (24 tuổi, làm sáng tạo nội dung về du lịch) chia sẻ: “Ở quán cà phê, mọi người đến không chỉ để học mà còn để trò chuyện, check-in, giải trí, nên không gian thường ồn ào. Còn khi đến không gian tự học, ai cũng có ý thức giữ yên tĩnh. Điều này giúp tôi làm việc hiệu quả hơn”.
Chị Ngọc Anh cho biết, công việc của chị yêu cầu một không gian yên tĩnh để có thể thoải mái sáng tạo và tìm kiếm ý tưởng mới. Do vậy, chị Ngọc Anh đến đây khoảng 8 lần/tháng và thường ngồi 4 đến 6 giờ/lần.
Với chị Ngọc Anh, việc lựa chọn những quán tự học như thế này là giải pháp lý tưởng giúp chị duy trì sự tập trung và nâng cao năng suất công việc.
Mô hình Open space có phải “gà đẻ trứng vàng”?
Mô hình không gian tự học giá rẻ đang ngày càng thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên, đặc biệt là những người cần một nơi yên tĩnh để học tập, làm việc. Tuy nhiên, với mức giá phải chăng như vậy, làm thế nào để kinh doanh có lợi nhuận và đáp ứng được nhu cầu khách hàng?

Anh Hoàng Nam, đồng sáng lập Casa Open Space (Hà Cầu, Hà Đông) cho biết: “Chúng tôi bán không gian thay vì đồ uống như các quán cà phê truyền thống, giúp khách ngồi lâu mà không bị nhắc nhở, thoải mái tập trung học tập và làm việc”.
Để tạo lợi thế cạnh tranh, mô hình này của anh Nam có thêm khu vực nghỉ ngơi giúp khách thư giãn sau thời gian học tập và làm việc căng thẳng. Với mức giá dịch vụ là 25.000 đồng cho 3 giờ, 49.000 đồng cho 6 giờ, và 69.000 đồng cho 9 giờ kết hợp dịch vụ đi kèm. Anh Nam cho biết: "Tôi đang chuẩn bị mở cơ sở thứ hai tại khu vực Cầu Giấy vào tháng 5 tới".
Theo anh Nam, open space của anh đã đón một lượng khách ổn định, trong đó khoảng 30-40% là khách quen. “Nhiều sinh viên tìm đến đây khi thư viện của trường quá đông đúc hoặc không có không gian thoải mái để học tập. Các freelancer, nhất là những người làm việc sáng tạo như designer, kiến trúc sư, và vlogger, cũng là nhóm khách hàng chủ yếu”, anh Nam cho biết.
Khi lựa chọn vị trí kinh doanh, anh Nam ưu tiên các khu vực gần trường đại học, văn phòng, ký túc xá, và phải đảm bảo sự yên tĩnh, tránh xa những khu vực có nhiều tiếng ồn từ đường phố.
Chi phí thuê mặt bằng tại những khu vực như Hoàn Kiếm hay Đống Đa khá cao, khoảng 50 đến 60 triệu/ tháng. Vì vậy, anh chọn khu vực như Hà Đông để tối ưu chi phí.
Thêm vào đó, nhờ vào chiến lược phát triển và quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, mô hình này của anh đã trở nên nổi bật và thu hút được nhiều khách hàng.

Tương tự anh Nam, chị Hoàng Minh Ngọc (22 tuổi, đồng sáng lập Co:Lab - Study Hub & Working Space) cho biết, mô hình không gian tự học không chỉ đáp ứng nhu cầu của giới trẻ mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới.
Cửa hàng của chị Ngọc hiện đón khoảng 50 đến 60 khách mỗi ngày, chủ yếu là sinh viên, với mức giá 30.000 đồng cho 3 giờ, 50.000 đồng ngồi cả ngày. Theo chị Ngọc, mô hình này giúp các bạn có không gian yên tĩnh để học tập, đặc biệt là những bạn ở trọ hoặc những dịp ôn thi, khi thư viện trường quá đông đúc.
Chia sẻ với PV về việc cân bằng chi phí để phát triển mô hình, chị Ngọc cho biết: “Chúng tôi tích cực tạo nội dung quảng bá trên mạng xã hội qua video và bài đăng để thu hút khách. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp kinh doanh không gian học tập với dịch vụ cho thuê phòng học nhỏ và phục vụ các món ăn nhẹ, trà và cà phê, tạo không gian thư giãn cho khách hàng”.
Chị Ngọc dự định sẽ mở thêm chi nhánh tại khu vực Bách - Kinh - Xây (khu vực quanh 3 trường đại học lớn tại Hà Nội là: Bách Khoa, Kinh Tế Quốc Dân và Xây Dựng) để tiếp cận gần hơn với các sinh viên. "Đầu tư vào cơ sở vật chất và quảng bá qua các clip viral cũng là yếu tố giúp tăng lượng khách đáng kể, từ đó tạo ra một cộng đồng học tập năng động và sáng tạo", chị Ngọc nói.
Phương Hồng, Tường Vi