An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Người “mẹ” của những đứa trẻ nhiễm HIV mồ côi, bị bỏ rơi
08:46 AM 20/10/2020
Chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi đã nhiều khó khăn vất vả, nhưng chăm sóc trẻ em vừa bị bỏ rơi lại còn nhiễm HIV còn gặp khó khăn gấp bội phần, không chỉ là về nuôi dưỡng, chăm sóc, y tế mà còn cả sự cảm thông, chia sẻ và thậm chí là sự hy sinh của những con người đang ngày đêm làm những công việc thầm lặng đó để mang đến cho các em cuộc sống bình yên.
Ấm áp tình người
Vượt hơn 50 km quãng đường, chúng tôi có mặt tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (Ba Vì, Hà Nội) vào một chiều giữa mùa thu. Đây là đơn vị đặc biệt nhất trong số các cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Sở Lao động - TBXH thành phố Hà Nội, bởi nơi đây không chỉ thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy mà còn tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ em nhiễm HIV mồ côi, bị bỏ rơi. Hiện tại, Cơ sở đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 70 trẻ em nhiễm HIV, ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có 56 trẻ đi học các cấp.

Chị Đào Thị Huyền bên các "con" của mình

Chị Đào Thị Huyền (sinh năm 1980), Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em, người đã có 17 năm làm việc Cơ sở 2 chia sẻ: Làm việc ở đây, ai cũng yêu nghề nên vượt qua tất cả khó khăn. Người ngoài có thể nghĩ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV rất phức tạp song đến thời điểm này từ cán bộ đến nhân viên trong đơn vị ai cũng rất vui vẻ gắn bó với công việc, coi các cháu như chính con ruột của mình.
Hầu hết các cháu khi vào cơ sở đều là những đứa trẻ bị bỏ rơi, mang trong mình căn bệnh HIV và điều chúng tôi thương chúng nhất là phần lớn các cháu đều phải rời xa bố mẹ ngay từ khi mới lọt lòng. Nhiều cháu chắc chưa kịp biết mùi thơm của sữa mẹ như thế nào. Được chăm sóc, được dìu dắt các cháu, chúng tôi cảm nhận được cái vui của công việc này. Tuy nhiên, cũng có muôn vàn khó khăn và trở ngại, nhất là đối với chị em phụ nữ. Ở gia đình mình chỉ có một hai đứa, luôn được bố mẹ, ông bà bên cạnh chăm sóc mà thấy đã khó khăn lắm rồi. Vậy mà ở đây, cả đến mấy chục cháu, không chỉ vậy mà nhiều cháu bệnh tật, các cháu không cùng dòng máu nên mỗi người mỗi tính nết khác nhau. Công việc khó khăn đã đành nhưng việc thu xếp chuyện gia đình còn áp lực hơn. “Những ngày đầu về làm dâu, tôi thường xuyên đi sớm về muộn, việc trực qua đêm là chuyện bình thường nên đã bị sự phản đối dữ dội từ phía nhà chồng đặc biệt là mẹ chồng. Biết như vậy, tôi đã phải ngồi lại và kể ra cho mẹ chồng những khó khăn, những hoàn cảnh và cuối cùng cũng được bà thông cảm và giúp đỡ. Đúng là mỗi người mỗi nghề, khi đã chọn và đã có tâm huyết theo nghề này thì có khi phải hy sinh một vài thứ là chuyện nhỏ. Thời gian dành cho con đẻ của tôi không được nhiều, dường như chăm sóc con cái là từ ông bà và người chồng. Còn tôi luôn tất bật cùng các cháu ở đây” - chị Huyền tâm sự.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội hiện đang chăm sóc hơn 70 trẻ em nhiễm HIV

Cả Khoa có tổng số 31 cán bộ, nhân viên thì có tới 21 chị em phụ nữ. Trung bình một tuần, mỗi cán bộ nhân viên phải trực 2-3 tối, thậm chí có tuần 4 tối, nên vấn đề xa gia đình, xa nhà là trở ngoại rất lớn đối với nữ giới. Nhưng rất may, hầu hết chị em đều được gia đình, bố mẹ, chồng con ủng hộ công việc nhân văn này, nên rất yên tâm công tác. Các cháu đã nhận được nhiều sự quan tâm thành phố, các tổ chức, cá nhân. Trong công tác chăm sóc sức khỏe, ngoài việc duy trì điều trị bằng thuốc ARV, định kỳ cơ sở còn tổ chức đưa trẻ đi khám và lĩnh thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây và Bệnh viện Nhi Trung ương; cho trẻ đi tiêm phòng vacxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Hàng tháng, theo dõi cân nặng, chiều cao của các cháu để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và phác đồ thuốc phù hợp. Công tác cấp phát thuốc hàng ngày và khám chữa bệnh đảm bảo theo đúng y lệnh của y, bác sĩ. Nhờ được chăm sóc đầy đủ, các cháu không bị tấn công bởi những căn bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nếu như trước đây, việc chăm sóc trẻ nhiễm HIV rất khó khăn, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV tử vong rất cao. Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội này có hẳn một nghĩa trang chôn cất các cháu đã mất thì từ khoảng 10 năm trở lại đây, nơi đây không có trẻ nhiễm HIV nào tử vong. Các cháu tuy mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng về mái nhà chung này, các cháu được chăm sóc y tế, được ăn, được học như những đứa trẻ bình thường khác.

Nỗ lực hòa nhập cộng đồng

Cũng theo chị Huyền, khác với các trẻ khác, trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây có hai lần thiệt thòi, vừa mồ côi, bị bỏ rơi vừa nhiễm HIV- căn bệnh chưa có thuốc chữa nên công việc không đơn giản chỉ là chữa bệnh về thể chất mà còn cả chữa bệnh về tinh thần. Xác định điều đó, nên ngoài công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cũng chú trọng các hoạt động giáo dục, như đưa trẻ đi học đúng và đủ theo kế hoạch của nhà trường, tổ chức cho trẻ luyện tập các môn thể thao, văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui vẻ và nâng cao thể chất; tổ chức các buổi sinh hoạt với trẻ về các chuyên đề giá trị sống, lòng trung thành; dạy cho các em  kỹ năng sống theo lứa tuổi...
Tuy nhiên, đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi trẻ lớn lên. Ấy là khi các cháu đã biết suy nghĩ về gia đình, hôn nhân, tương lai của mình, ý thức được căn bệnh mình đang mang nên mặc cảm, tự ti. Thêm vào đó, vấn đề học hòa nhập cũng khó khăn. Khi tiếp nhận các cháu, mỗi cháu một hoàn cảnh éo le nhưng có chung một điểm là trước khi vào đây các cháu bị gián đoạn ít nhiều thời gian đi học. Do vậy về đến cơ sở, các cháu được trường tiểu học nơi cơ sở 2 đứng chân là Trường Tiểu học Yên Bài B vận động ra lớp để đảm bảo độ tuổi phổ cập và tái hòa nhập. Việc đưa trẻ từ đơn vị đến trường học hòa nhập với cộng đồng vô cùng khó khăn vì người dân hết sức kỳ thị với những người nhiễm HIV. Họ có cái nhìn rất thiếu thiện cảm với nhóm trẻ ở đây ra trường để học hòa nhập. Có người còn chuyển con, em mình sang trường khác học để phản đối việc cho học sinh cơ sở 2 theo học tại Trường Tiểu học Yên Bài B. Phản đối của người dân lên đến đỉnh điểm khi họ cho rào đường từ cơ sở 2 ra trường học để không cho nhóm trẻ nhiễm HIV đến trường. Do vậy, Cơ sở rất cần sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành, tổ chức thiện nguyện, không đơn giản chỉ là vật chất mà là vấn đề tinh thần.
Dưới bàn tay chăm sóc của những người mẹ như chị Huyền, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã có 1 cháu năm nay hơn 20 tuổi học công nghệ thông tin, con đã độc lập về tài chính, sống tự lập; 3 cháu học hết lớp 12, trong đó 1 cháu đã tốt nghiệp đại học và may mắn tìm lại được mẹ, 1 cháu được chị đón về.
Có thể, ngoài kia đâu đó vẫn còn những ánh nhìn, sự kỳ thị của xã hội với căn bệnh thế kỷ mà các em đang phải gánh chịu, song cuộc đời vẫn dành tặng cho các em một niềm thương mến dịu dàng để các em cảm nhận được hơi ấm tình thân từ những người mẹ nơi đây. Họ đã và đang ngày ngày tận tụy chăm sóc các em với tình cảm gắn bó hơn cả tình thân. Chia tay chị Huyền, chia tay các con, trong chúng tôi ai nấy đều dấy lên một tâm trạng khó tả, nhưng tất thảy đều mong muốn cộng đồng cảm thông, chia sẻ và dang rộng vòng tay với những mảnh đời bất hạnh./.

Nguyễn Minh Anh

TAG:
Tin khác
Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH tại TPHCM
100% đại biểu “Quốc hội trẻ em” biểu quyết thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Huyện Phù Cát: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Hòn Đất: Cuối năm 2024 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,24%...
Lai Châu: Nhiều hoạt động thăm hỏi và tặng quà trong dịp Trung thu cho trẻ em
'Quốc hội trẻ em' kỳ họp lần thứ 2 chính thức khai mạc
Huyện Tây Giang (Quảng Nam): Nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo
Cao Bằng: Đột phá trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Trẻ em tỉnh Hòa Bình được quan tâm, tạo điều kiện vui chơi an toàn, lành mạnh trong dịp Tết Trung thu 2024