Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Người lớn có vai trò quan trọng trong phát huy quyền tham gia của trẻ em
10:12 AM 24/12/2019
LĐXH - Về cơ bản, các quyền tham gia của trẻ em được pháp luật hóa trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em đồng thời tôn trọng ý kiến của các em về các vấn đề liên quan đến quyền của các em, từng bước phát huy vai trò và sự đóng góp của các em đối với xã hội với tư cách là một chủ nhân tương lai của đất nước.

Luôn đặt trẻ em là trung tâm của sự phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em từ rất sớm. Đây là văn kiện quan trọng nhất về quyền của trẻ em trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người. 2019 là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em, cũng là năm thứ 3 Luật Trẻ em được ban hành, thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004. Bên cạnh việc tham gia Công ước về quyền trẻ em, ký kết các Nghị định thư liên quan, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cũng như đảm bảo thực hiện các nhóm quyền của trẻ em: quyền sống còn, quyền phát triển, quyền bảo vệ và quyền tham gia.

Trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng để thực hiện quyền tham gia của mình

Về cơ bản, các quyền tham gia của trẻ em được pháp luật hóa trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em đồng thời tôn trọng ý kiến của các em về các vấn đề liên quan đến quyền của các em, từng bước phát huy vai trò và sự đóng góp của các em đối với xã hội với tư cách là một chủ nhân tương lai của đất nước. Song đến thời điểm này, quyền tham gia của trẻ em chưa được nhận thức rõ và đủ, dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện. Cơ quan quản lý Nhà nước, những người làm công tác trẻ em và cộng đồng hiểu không cụ thể, không thống nhất khái niệm, nội hàm về quyền tham gia của trẻ em; quan niệm về quyền tham gia của trẻ em chủ yếu tập trung vào tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí; thiếu cơ chế và chuẩn mực về sự tham gia của trẻ em. Mặc khác, luật định còn đang vướng trong việc xác định ranh giới giữa việc áp dụng các biện pháp giáo dục của gia đình với các hình thức bị pháp luật cấm.

Một thực tế hiện nay cho thấy, việc tham gia của trẻ em trong gia đình và nhà trường vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thống văn hoá Á Đông khi coi ý kiến của người lớn tuổi hay “bề trên” là “tối thượng”, là luôn luôn đem lại những điều tốt đối với người ít tuổi và đặc biệt là trẻ em, do vậy, trẻ em buộc phải tuân thủ. Ngoài ra, do tâm lý của chính trẻ em, năng lực, nhận thức của trẻ em còn hạn chế, chưa tự tin và chủ động thực hiện quyền này. Và thực chất, ở nước ta, việc thực hiện quyền trẻ em trong gia đình chủ yếu qua hình thức trò chuyện với cha mẹ; trong nhà trường thông qua hoạt động giảng dạy; ở cộng đồng thông qua hoạt động truyền thông, hoạt động Đoàn đội, CLB trẻ em, các sự kiện liên quan đến trẻ em; Các hoạt động thúc đẩy về quyền tham gia của trẻ em còn nhỏ lẻ phân tán, thiếu sự tham gia của trẻ em vùng sâu, vùng xa và các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Trẻ em chưa thực sự tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến mình. Các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em cũng chỉ mới hình thành, chưa được nhân rộng.

Cha mẹ là người gần gũi và đầu tiên giúp con hình thành quan điểm riêng và tự do phát triển những quan điểm đó

Cha mẹ và gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Được làm quen với ý nghĩa của sự bình đẳng và tôn trọng, trẻ sẽ phát triển khả năng giao tiếp, học cách giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách có trách nhiệm. Làm được điều đó người lớn được chia sẻ gánh nặng công việc khi trẻ tham gia, từ đó mối quan hệ giữa trẻ em và người lớn phát triển theo chiều hướng thuận lợi. Vì vậy có thể nói, quyền tham gia của trẻ em phụ thuộc vào người lớn. Người lớn cần có trách nhiệm tạo điều kiện cho trẻ được phát triển, tăng mức độ tự tin, lòng tự trọng, có động cơ và hứng thú thực hiện công việc của mình để các em phát triển toàn diện, đủ năng lực trở thành thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Nhóm quyền tham gia bao gồm: quyền được hình thành quan điểm riêng và tự do phát triển những quan điểm đó về các vấn đề có tác động đến trẻ em; quyền tự do bày tỏ ý kiến (không trái với pháp luật); quyền tự do giao kết, hội họp tụ tập một cách hòa bình. Tại Công ước về quyền trẻ em, Liên hợp quốc cũng khuyến khích cha mẹ cùng con cái giải quyết vấn đề về các quyền của trẻ em “một cách phù hợp với khả năng tư duy của trẻ”.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24