Ảnh minh họa |
3 triệu người cao tuổi tích cực tham gia phòng, chống tội phạm
Tại TPHCM, mô hình Hội NCT phối hợp với cơ sở tôn giáo phòng chống tội phạm là một mô hình mới, đạt kết quả khả quan. Qua 5 năm, đã có 293/322 phường xã, thị trấn ký kết liên tịch với Trụ trì 589 Chùa Phật giáo, 133 Chánh xứ Thiên Chúa giáo, 57 Ban cai quản Thánh thất Cao Đài, 45 Mục sư Tin Lành và 49 cơ sở tôn giáo khác.
Các mô hình đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức trên 1.534 buổi sinh hoạt với hơn 85.658 phật tử, giáo dân… nghe thông tin về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Từ đó, đã có 293 nguồn tin có giá trị giúp cho ngành công an triệt phá, xử lý 185 vụ vi phạm pháp luật, bắt giữ 232 đối tượng.
Trong công tác phối hợp quản lý, giáo dục, vận động đối tượng phạm tội và đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú, Hội NCT TPHCM cùng với công an phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể quản lý, giáo dục, cảm hóa giành lại con người từ hư hỏng, lỡ lầm, sa ngã, phạm pháp trở thành người tốt có ích cho xã hội 32.173 lượt đối tượng, trong đó có 6.338 đối tượng được đánh giá tiến bộ, đưa ra khỏi diện quản lý, đồng thời 471 đối tượng tự nguyện tham gia vào các lực lượng giữ gìn an ninh cơ sở.
Tại tỉnh Nam Định, Hội NCT các cấp đã góp phần cùng toàn tỉnh xây dựng được 1349 khu dân cư 5 không, 263 xứ họ tiên tiến, 399 chùa tinh tiến; 1.601 khu dân cư thực hiện tốt mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, 1802 khu dân cư an toàn về an ninh trật tư; 1301 khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
Bằng sự nỗ lực của tổ chức Hội và hội viên NCT, 5 năm qua, công tác phối hợp với MTTQ, các đoàn thể nhân dân và lực lượng công an trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư đã đạt được nhiều kết quả tốt. Đã cảm hóa, giáo dục được 5727 người có biểu hiện vi phạm pháp luật; vận động được 890 người nghiện ma túy đi cai nghiện; phân công quản lý, giáo dục được 2410 lượt người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội; vận động được 45 đối tượng truy nã, trốn thi hành án ra tự thú, 1.372 đối tượng vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội đi cơ sở giáo dục, lập 1.167 hồ sơ quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng. Đến nay các cấp Hội NCT tỉnh Nam Định đã góp phần xây dựng được 1.622 thôn, xóm, tổ dân phố không có tội phạm, 1.541 thôn, xóm không có người nghiện ma túy…
Tại tỉnh Bắc Ninh, nhiều hội viên cao tuổi hàng năm đều tự nguyện tham gia đảm bảo ANTT trong các ngày lễ, tết cổ truyền và những đợt cao điểm chốt chặn ma túy…
Theo Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, đến nay cả nước có 70.000 câu lạc bộ với 3 triệu người cao tuổi tham gia phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, các cấp Hội NCT đã tích cực tham gia phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa, thực hiện quy ước dân chủ ở cơ sở; vận động người phạm tội ra tự thú, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư tạo điều kiện giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, nổi bật là: Ông Cao Xuân Xớn ở Hải Dương đã thế chấp nhà ở lấy tiền cho 17 người nghiện vay vốn làm ăn, sau 2 - 3 năm họ đã hoàn vốn lại cho ông; tại xã Phiêng Luông, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, Hội NCT xã đã giúp đỡ, giáo dục 1 người sau khi mãn hạn tù về địa phương đạt đươc tín nhiệm giới thiệu tham gia BCH Hội và giữ chức Chủ tịch Hội NCT xã…
Tuổi cao - Gương sáng
Với phương châm “Lấy xây để chống”, công tác tuyên truyền được NCT xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Lãnh đạo Trung ương Hội NCT Việt Nam và Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và quán triệt sâu rộng đến tận cấp cơ sở, gắn với việc tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm vào công tác của Hội. Thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm vào các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma tuý, phòng chống mại dâm, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống mua bán người, chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới... phối hợp tổ chức nhiều buổi tập huấn công tác hội và công tác an ninh trật tự, các buổi giao lưu nói chuyện chuyên đề, các diễn đàn về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Thông qua các cuộc họp, hội thảo, tập huấn các Chi hội, tổ hội ở thôn xóm, tổ dân phố để kịp thời thông báo về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, âm mưu, thủ đoạn hoạt động mới để cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức và trách nhiệm công dân trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, các Chi hội tham gia phối hợp thực hiện công tác quản lý giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, tù tha, đặc xá tại cộng đồng dân cư, tạo điều kiện giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Phát huy uy tín của NCT trong cộng đồng dân cư, nhất là già làng, trưởng bản tích cực tham gia vận động, tuyên truyền con, cháu và nhân dân chấp hành tốt pháp luật; xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm; tham gia vận động người phạm tội ra đầu thú; lồng ghép với phong trào thi đua: Tuổi cao- gương sáng của NCT…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Đàm Hữu Đắc, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác Hội và phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng” của NCT. Đa số NCT đã trở thành mẫu mực cho con cháu noi theo. Những năm tiếp theo, Trung ương Hội Người cao tuổi sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” để mỗi cán bộ, hội viên NCT là những tấm gương sáng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Theo tiengchuong.vn