“Ngôi nhà” đem đến sự an toàn cho phụ nữ bị bạo lực ở Quảng Ninh
(LĐXH)- Ngôi nhà Ánh Dương là địa chỉ tin cậy, an toàn để phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực có thể tìm kiếm trợ giúp và tạm trú trong những thời khắc khó khăn và hiểm nguy.
“Bạn thân mến, sẽ có thật nhiều khoảnh khắc bạn muốn chạy khỏi nhà và người thân của mình vì bạn bị bạo lực và không được an toàn. Thế nhưng, đứng trước ngã tư đường, bạn lại lo lắng và sợ hãi vì không biết đi đâu, làm gì, nơi nào sẽ mang đến cho bạn sự an toàn. Thậm chí bạn khi đó còn không kịp mang theo tiền bạc, điện thoại hay giấy tờ tùy thân để có thể thuê trọ và mua đồ ăn thức uống.
Nếu bạn đang bị bạo lực trong gia đình, trong mối quan hệ tình cảm; hay bị bạo lực tình dục, bị xâm hại, quấy rối? Bạn cần lắng nghe, cần được tư vấn để giải quyết vấn đề của mình mà không biết nên chia sẻ với ai?
Thấu hiểu nỗi lòng đó, Ngôi nhà Ánh Dương sẽ là địa chỉ tin cậy, an toàn để phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới có thể tìm kiếm trợ giúp và tạm trú trong những thời khắc khó khăn và hiểm nguy. Chúng tôi sẽ không phán xét và cam kết giữ bí mật thông tin của bạn, chia sẻ và thấu hiểu bạn từ trái tim” – Đây là tâm sự của chị Đỗ Thị Lệ - Trưởng phòng Truyền thông và phát triển cộng đồng - nhân viên công tác xã hội tại Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh khi giới thiệu về “ngôi nhà” đặc biệt này.Chị Đỗ Thị Lệ (trái) giới thiệu về Ngôi nhà Ánh Dương
Ngôi nhà Ánh Dương thuộc dự án phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) về “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam”, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.
Từ cuối tháng 4/2020, mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh đi vào hoạt động dựa trên nguyên tắc: “Lấy nạn nhân làm trung tâm, tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin”. Đây là nơi các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7.
Ngôi nhà Ánh Dương là mô hình cung cấp các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ hoặc trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới tại một điểm bao gồm các dịch vụ tư vấn tâm lý, chăm sóc xã hội, tạm lánh khẩn cấp và liên hệ chuyển tuyến do Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh vận hành. Không chỉ là nơi tạm trú an toàn, Ngôi nhà Ánh Dương còn là nơi gieo lên niềm tin vào một cuộc sống an toàn và hạnh phúc hơn, không có bạo lực.
Nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương túc trực 24/24h. Họ được trang bị những kỹ năng cần thiết để giải quyết với những thông tin nhạy cảm liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực.
Ngôi nhà được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, thân thiện với 6 phòng chức năng, 2 nhân viên trực tổng đài 24/7, 01 nhân viên công tác xã hội, 01 nhân viên y tế và có sự hỗ trợ của 01 cán bộ tư pháp, 2 cán bộ công an…
Chị Đỗ Thị Lệ cho biết, khi tiếp nhận các trường hợp tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương, các nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội sẽ khám sức khỏe, hỗ trợ nơi ở, tham vấn tâm lý, chia sẻ, hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực.
Sau thời gian tạm lánh, khi tâm lý các nạn nhân đã có những chuyển biến tích cực, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh sẽ chuyển về địa phương; đồng thời, kết nối để các cơ quan đơn vị chức năng thực hiện cung cấp các dịch vụ trợ giúp nhằm ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội của Ngôi nhà Ánh Dương vẫn tiếp tục đồng hành, theo dõi và hỗ trợ nạn nhân giải quyết các vấn đề phát sinh khi cần thiết.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận trên 14.000 cuộc gọi qua đường dây nóng 18001769; 64 phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân được lánh nạn trực tiếp, cũng như hàng trăm nạn nhân bị bạo lực khác được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp.Ngôi nhà được thiết kế thân thiện, đầy đủ trang thiết bị
“Chúng tôi giúp cho những người phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành được chăm sóc kịp thời, đầy đủ cả về tổn thương thể xác lẫn hỗ trợ tâm lý. Họ được cung cấp kỹ năng để có thể phòng ngừa và bảo vệ mình; có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm, thoát ra khỏi cuộc sống bế tắc cũ; tự tin làm chủ kinh tế, lao động sản xuất, làm giàu chính đáng” - chị Đỗ Thị Lệ nói.
Với vai trò và hoạt động của mình, Ngôi nhà Ánh Dương đã trở thành địa chỉ an toàn cho những người bị bạo lực giới tìm đến. Việc mở cửa Ngôi nhà đã, đang và sẽ đóng góp hiệu quả vào nỗ lực chung trong việc ngăn ngừa, ứng phó hiệu quả với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh.
Theo chị Đỗ Thị Lệ, với số lượng ít ỏi nhân viên công tác xã hội đang làm việc tại đây không thể bao quát hết nhu cầu của nạn nhân bị bạo lực, do đó rất cần sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể nhất là từ cơ sở, cần có những mạng lưới vệ tinh để nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ nạn nhân từ ban đầu.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cán bộ địa phương vẫn che giấu, chưa bảo vệ nạn nhân, thậm chí dọa nạt nếu nạn nhân tìm đến hỗ trợ từ cấp cao hơn. Cán bộ cơ sở như hội phụ nữ, công an… vẫn còn thiếu hụt kiến thức, năng lực trong tiếp cận nạn nhân, vẫn còn định kiến cho rằng nguyên nhân của bạo lực là từ phía phụ nữ.
“Chúng ta cũng cần huy động sự tham gia, vào cuộc của nam giới. Điều này có yếu tố quyết định rất lớn đến thành công trong việc can thiệp cho nạn nhân. Ví dụ hôm nay chúng ta làm việc với nạn nhân, nhưng về nhà họ lại tiếp tục bị chồng bạo hành thì sự hỗ trợ của chúng ta lại trở thành con số không. Nhưng nếu có sự vào cuộc của nam giới thì hành vi bạo lực mới có thể chấm dứt được” – chị Lệ chia sẻ thêm./.
Nguyễn Thìn
TAG:
ngôi nhà ánh dương