Nghiện ma túy: Căn bệnh mãn tính cần sự góp sức của cả gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân người nghiện
(LĐXH)-Sáng ngày 14/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tọa đàm “Hiểm họa của ma túy và hành động của chúng ta”. Thứ trưởng Bộ lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm tới dự và chủ trì buổi tọa đàm. Cùng dự, còn có ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, đại diện lãnh đạo SCDI, Chi cục PCTNXH Khánh Hòa, nhóm người sử dụng ma túy cùng đông đảo các phóng, viên báo đài.
Mục đích hướng tới của buổi tọa đàm là nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và trao đổi những thông tin, vấn đề như: tình trạng thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp tại Việt Nam hiện nay; vấn đề đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam; một số phương pháp điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy; vai trò của nhóm đồng đẳng trong việc tiếp cận, hỗ trợ điều trị cho người nghiện ma túy tại cộng đồng;…
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Hiện nay, vấn đề sử dụng ma túy, lạm dụng ma túy cũng có chiều hướng gia tăng. Chúng ta đếm được con số này là hơn 200.000 người nghiện, song đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Con số thực tế về tổng số người nghiện vẫn luôn là một câu hỏi. Người sử dụng ma túy tập trung chủ yếu ở độ tuổi dưới 35, đây là lực lượng lao động chính của xã hội. Đáng chú ý, có 8% người nghiện ma túy ở tuổi vị thành niên, học sinh, 70% số xã trên cả nước có người nghiện ma túy. Nhiều vùng nông thôn bình yên trước đây đã không còn bình yên vì người nghiện ma túy, cuộc sống của người dân vì thế cũng có nhiều bất an. Bên cạnh đó, số người nghiện sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng theo chiều hướng của hoạt động buôn bán.
Thứ trưởng chia sẻ: Chúng ta đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng. Tội phạm về ma túy ngày càng liều lĩnh, hoạt động buôn bán ma túy diễn ra với khối lượng lớn, bằng nhiều con đường khác nhau như đường biển, đường hàng không. Ma túy không chỉ thâm nhập mà còn được trung chuyển qua Việt Nam… Ma túy đá có nguy hại hơn rất nhiều so với các loại ma túy khác. Nhiều vụ trọng án đều có nguồn gốc liên quan đến sử dụng ma túy. Chính vì vậy, công cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy, lạm dụng sử dụng ma túy hết sức cam go, phức tạp.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông, báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền quan điểm nghiện ma túy là một bệnh mãn tính của não bộ với các hệ quả nghiệm trọng về xã hội và hành vi, nhưng có thể cai được và cai nghiện là một quá trình, bao gồm tổng thể các can thiệp, hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Thứ trưởng cũng cho rằng để cai nghiện thành công, cần nhất là nhận thức, nghị lực và sự quyết tâm của bản thân người nghiện vì không ai có thể làm thay họ được. Điều vô cùng quan trọng nữa là phải có sự chung tay, chúng sức, giúp đỡ và hỗ trợ của gia đình và cộng đồng xã hội. Cộng đồng xã hội phải có sự thay đổi cái nhièn đối với những người sử dụng ma túy. Nếu chúng ta coi họ là con bệnh lây nhiễm, kỳ thị, phân biệt đối xử, xa lánh đối với người sử dụng ma túy thì tất cả những nỗ lực của họ sẽ không đạt được. Nếu chúng ta đùm bọc, cưu mang, chia sẻ, hỗ trợ họ thiết thực thì đó sẽ là giải pháp thúc đẩy quyết tâm, nghị lực của họ.
chia sẻ về những tồn tại và giải pháp trong công tác cai nghiện
Chia sẻ về những tồn tại và giải pháp trong công tác cai nghiện, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, sau khi chấp hành cai nghiện bắt buộc ở cơ sở cải nghiện từ 1-2 năm, khi trở về cộng đồng, tỷ lệ người nghiện ma túy tái nghiện ở mức trên 90%. Hàng năm, số người nghiện không ngừng gia tăng, bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 6-8%. Nhiều loại ma túy mới được đưa vào sử dụng như ATS, cỏ Mỹ, tem cười… Ông Lập cho rằng, trên thực tế, trong khi có rất nhiều nơi kết nối người cai nghiện với cộng đồng, đội công tác tình nguyện xã hội, chính quyền rất tốt, giúp giảm rõ rệt tỷ lệ tái nghiện thì nhiều nơi lại chưa làm được việc này, bên cạnh đó việc thực hiện cai nghiện chưa đảm bảo đúng quy trình. Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, ông Lập khẳng định: 2-3 năm ở trung tâm vẫn chỉ là một giai đoạn. Sau khi ra khỏi trung tâm, các đối tượng rất cần một sự hỗ trợ từ cộng đồng và gia đình. Chính cộng đồng và người thân gia đình sẽ hun đúc nên sự quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy của người nghiện. Đề án Đổi mới công tác cai nghiện đã thực hiện vấn đề này với mục tiêu đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị; Tăng dần điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp để đến năm 2020, có 94% tổng số người được cai nghiện, điều trị là tự nguyện.
Nói về kinh nghiệm triển khai mô hình điều trị nghiện tự nguyện tại cộng đồng, ông Trần Quốc Thông, Chi cục Phòng chống tệ nạn tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Trước hết chính quyền các cấp ở địa phương phải vào cuộc, phải có cơ chế hoạt động và kinh phí để thực hiện; Các dịch vụ hỗ trợ phải chất lượng, thuận tiện; Phải có Tư vấn viên chuyên trách và Nhóm Tự lực; Phải có sự vào cuộc của Ngành Y tế, Điều trị cắt cơn phải kết hợp với nâng cao thể trạng. Đặc biệt, bản thân người nghiện phải tự nguyện, quyết tâm điều trị và phải được điều trị, hỗ trợ liên tục. Cùng với đó, gia đình cũng phải luôn đồng hành cùng với quá trình điều trị của người nghiện, cán bộ phải có chuyên môn và tấm lòng nhiệt huyết. Tuy nhiên, nói về khó khăn trong hoạt động của mô hình điều trị nghiện tự nguyện tại cộng đồng, ông Thông cho biết, hiện nay vẫn chưa có mô hình điều trị chuẩn và thống nhất trong cả nước; Nguồn lực ở cộng đồng còn thiếu; Sự kỳ thị là rào cản ảnh hưởng đến tính hiệu quả... Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho mô hình điều trị tại cộng đồng.
Mỹ Hạnh
TAG: