Quyết tâm, lạc quan, chịu khó là những gì có thể nói về ý chí vươn lên của cô gái khuyết tật Lê Thị Kiều Nhi (23 tuổi), sinh viên năm 3 Trường ĐH Cần Thơ.
Chúng tôi tìm đến nhà của Nhi ở P.Long Hưng, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ. Ấn tượng đầu tiên là nụ cười lạc quan, dù số phận của Nhi chịu nhiều thiệt thòi vì khuyết tật.
Nỗ lực học tập để cải thiện tương lai
Từ khi sinh ra, Nhi đã bị khuyết tật bẩm sinh với đôi tay khoèo và trên lưng có một khối u lớn. Tuổi thơ của Nhi gắn liền với bệnh tật hoành hành và tháng ngày liên tục điều trị trong bệnh viện. Đến tuổi học lớp 1 mà Nhi vẫn èo uột, dáng vóc nhỏ thó nên cô giáo không dám nhận. Cha mẹ Nhi phải đến thuyết phục với lời cam kết nếu con không đủ sức khỏe thì gia đình sẽ chịu trách nhiệm và đón về. Nhi đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật để thực hiện được ước mơ của mình
Kể từ đó, mỗi ngày Nhi làm bạn với cây bút, sách vở. Việc điều khiển được bút đối với người khuyết tật như Nhi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy số phận không ban cho đôi tay lành lặn nhưng cô gái 9X đã lấy nghị lực và quyết tâm để lắp vào phần khiếm khuyết đó. Bằng sự cố gắng, chăm chỉ luyện tập, những chữ viết nguệch ngoạc khó coi rồi cũng được Nhi nắn nót trở nên tròn trịa, đẹp mắt.
Nhi cho biết, viết chữ không được nhanh nên thường xuyên mượn tập bạn bè về chép lại mới theo kịp bài vở. Nhưng thấy bè bạn vui chơi, múa hát, nhiều lúc Nhi rơi nước mắt, thương cho số phận mình. “Có thời gian dài, tôi sống khép kín, ít tham gia các hoạt động tập thể ở trường, nhưng tôi không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc. Bởi tôi nghĩ, muốn cải thiện tương lai cho chính mình thì con đường duy nhất chính là việc học”, Nhi trải lòng.
Hoàn cảnh là vậy nhưng 12 năm đến trường Nhi đều nhận giấy khen học tốt về tặng cho cha mẹ. Năm 2019, Nhi hoàn thành chương trình phổ thông và có ý định học tại trường dạy nghề dành cho người khuyết tật. Nhưng được sự động viên của cô giáo và gia đình, Nhi đã nỗ lực không ngừng rồi đậu vào ngành Kinh doanh nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ. Hướng về cộng đồng và không buông bỏ ước mơ
Gia đình Nhi rất khó khăn, nhà không có đất canh tác. Hiện tại, cha mẹ Nhi thuê 1,5 công đất trồng hoa màu lấy công làm lời mưu sinh. Dù chật vật, họ luôn hết lòng ủng hộ và đồng hành với Nhi những lúc khó khăn trên giảng đường. Nhi học Trường ĐH Cần Thơ tại khu Hoà An (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang). Vì hoàn cảnh đặc biệt, có môn học thể chất Nhi không thể học tập trung được như các bạn, mà phải lên khu 2 (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) mới có lớp dạy. Nhi kể, có đợt xuyên suốt 15 tuần, mỗi tuần 3 lần, cha chạy hàng trăm cây số đưa, rước Nhi đi học. “Ngồi sau lưng cha tôi xúc động, thương cha lắm. Những lúc ấy, tôi nhủ phải cố gắng học hết sức để sau này có thể tìm được công việc ổn định, tự lập lo cho bản thân mình để không còn là gánh nặng của gia đình nữa”, Nhi bộc bạch.
Điều đáng trân trọng ở là dù nghèo khó nhưng Nhi vẫn thường hay giúp đỡ cộng đồng. Đơn cử, Nhi thường ủng hộ tiền cho những mảnh đời thiệt thòi hơn mình và đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Nhi cho biết, số tiền ủng hộ nhỏ nhưng cảm thấy rất vui vì đã góp phần chia sẻ yêu thương với mọi người xung quanh.
Bên cạnh đó, trong khả năng có thể, Nhi cũng dấn thân cùng bạn bè tham gia một số hoạt động tình nguyện. Thỉnh thoảng, Nhi đi tặng bánh, sữa cho các em thiếu nhi không may mắn được nuôi dưỡng trong trung tâm công tác xã hội TP.Cần Thơ. Nhi kể, có lần vì thấy Nhi khuyết tật, các thầy cô nghĩ Nhi cũng là thành viên trong mái ấm này nên bắt xếp hàng chờ tới lượt nhận quà. Khi biết sự thật, mọi người đều bất ngờ và cảm động.
“Tôi từng đối mặt với sự mặc cảm, tự ti vì cơ thể khuyết tật của mình. Đến mái ấm yêu thương này, tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Vì vậy, tôi phải sống sao cho thật ý nghĩa và có ích trong cuộc đời, quan trọng là không bao giờ được buông bỏ ước mơ”, Nhi tâm sự.
PV