Nghệ An: Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH)- Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động thực hiện nhanh gọn các thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo các quy định của pháp luật.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm
Thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang giúp người lao động không những nhận tiền trợ cấp thất nghiệp để duy trì cuộc sống hàng tháng mà còn được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi môi trường làm việc phù hợp nghề đã học hoặc trở về địa phương tự tạo việc làm bằng nghề đã học.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động thông qua vai trò chủ động và thụ động nhằm rút ngắn thời gian thất nghiệp của người lao động, thời gian tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, giảm thiệt hại cho xã hội do việc làm trống không có người đảm nhận hoặc lao động không được sử dụng vì không có việc làm, hoặc không có kỹ năng cần thiết để đảm nhận vị trí việc làm, giúp thị trường lao động vận hành hiệu quả hơn. Nếu như trước đây, khi người lao động mất việc làm, chủ doanh nghiệp phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động, thì khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp ra đời, doanh nghiệp không còn bị áp lực về mặt tài chính, khi có nhiều lao động thôi việc.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành điểm tựa cho người lao động và doanh nghiệp, có sự chia sẻ lớn giữa người lao động và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi cho người lao động nghỉ việc; đặc biệt kể từ khi có Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn với những quy định rõ ràng và chặt chẽ đã tạo thuận lợi cho việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp lồng ghép với Phiên giao dịch việc làm
Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng đã giúp người lao động và người sử dụng lao động có nhiều quyền và lợi ích trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo được tính công bằng cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng. Bỏ quy định thủ tục đăng ký thất nghiệp đã tạo thuận lợi hơn cho người lao động trong việc đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp, không phải đi lại nhiều nơi tiết kiệm được thời gian và chi phí. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về việc xác định lý do chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm đã được mở rộng. Đặc biệt là kể từ khi ban hành Nghị định 61/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/NĐ-CP đã tạo nhiều thuận lợi cho người lao động trong việc nộp hồ sơ hưởng BHTN và hạn chế được việc thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định do có việc làm mới.
Nắm được vai trò quan trọng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để phát huy hiệu quả công tác này nhằm ổn định thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lê Hải Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết: Để phục vụ người lao động được tốt hơn, Trung tâm đã thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Công văn của Bộ Lao động- TBXH về tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Bắt đầu từ ngày 12/5/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã tiếp nhận và giải quyết hưởng hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tính đến cuối năm 2022 là trên 16 nghìn người và số người có quyết định hưởng TCTN cũng trên 16 nghìn người. Ông Dương cho biết thêm.
Để chính sách BHTN đi vào đời sống, thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN đến người lao động và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú như: Duy trì tư vấn tập trung thứ 2 hàng tuần tại Trung tâm, Tổ chức lồng ghép thông tin phổ biến chính sách BHTN tại các hội thảo, hội nghị, các phiên giao dịch việc làm lưu động; Phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách BHTN cho người lao động đến làm chế độ hưởng BHTN tại Trung tâm và 03 văn phòng, tại các hội chợ việc làm; các chương trình tư vấn tập trung, các phiên giao dịch việc làm..; Thường xuyên đăng tải và cập nhật các văn bản mới liên quan đến chế độ, chính sách BHTN trên trang website: vieclamnghean.vn của đơn vị; Đăng tải thông tin liên quan trên các báo, tạp chí của địa phương và của ngành như: Báo Nghệ An, Báo Lao động và Xã hội, Báo Doanh nghiệp hội nhập... Ngoài ra, còn treo băng rôn, pa nô, áp phích tại các xã, huyện, các vùng sâu vùng xa và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, xác định công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả quá trình giải quyết chế độ hưởng TCTN, Trung tâm luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm để sớm quay lại thị trường lao động. Trung tâm đã sử dụng nhiều hình thức tư vấn phong phú, đa dạng, phù hợp với người lao động như: Tư vấn trực tiếp; tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, Zalo, facebook; tổ chức tư vấn tập trung vào sáng thứ 2 hàng tuần tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm; Tư vấn thông qua hội thảo, hội nghị, các chương trình kết nối việc làm trong và ngoài nước, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh… Với việc chú trọng các giải pháp tuyên truyền, tư vấn, người lao động trong tỉnh được tiếp cận thuận lợi với các chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi có nhu cầu, qua đó giảm bớt khó khăn, sớm quay trở lại thị trường lao động./.
Nguyễn Thu Hương
TAG: