Nghệ An tăng cường phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
(LĐXH)- Nhiều năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Nghệ An trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc tại các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em.
Theo thống kê từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An, từ đầu năm 2023 đến thời điểm cuối tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ/24 trẻ em bị xâm hại tình dục trẻ em tại các địa phương, giảm 11,2% % về số vụ, 11,2 % về số trẻ em bị xâm hại. Ccụ thể, năm 2023, hiếp dâm xảy ra 02 vụ/2 trẻ, cưỡng dâm 01 vụ/01 trẻ, dâm ô 10 vụ/10 trẻ, giao cấu 11 vụ/11 trẻ; năm 2022, hiếp dân 09 vụ/ 09 trẻ, dâm ô 12 vụ/12 trẻ, giao cấu 09 vụ/09 trẻ.
Đến cuối tháng 10/2023, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ bạo lực học đường trong nhà trường, giảm 57% số vụ (năm 2022: 28 vụ), 24 vụ bạo lực học đường ngoài nhà trường, tăng 41% số vụ (năm 2022: 17 vụ). Các vụ việc nêu trên đã được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Qua đánh giá, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến ngày càng đa dạng, phức tạp, gia tăng về số lượng. Trẻ em bị xâm hại không chỉ là trẻ em nữ mà còn có cả các em nam. Phương thức, thủ đoạn các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm phạm tội rất đa dạng.
Đa số các đối tượng lợi dụng thời điểm các em ở nhà một mình, không có cha mẹ ruột, người thân bên cạnh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Những trẻ em bị bạo lực, xâm hại thường là những em có nhược điểm về thể chất, ít có khả năng tự bảo vệ bản thân; trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, thiếu cha, thiếu mẹ hoặc cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc hoặc trẻ em sống trong những gia đình không hạnh phúc, cha mẹ là người rơi vào các tệ nạn xã hội...
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn và cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em ở khối, xóm, bản. Phổ biến rộng khắp các số điện thoại nóng: 111 (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em); 1800.599.963 (Trung tâm công tác xã hội tỉnh); 02383658999 (Trung tâm tư vấn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh)…
Bên cạnh đó, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mua bán; quản lý tốt các hoạt động của các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em.
Cùng với cơ quan quản lý về lĩnh vực trẻ em, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc tại các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ và phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn. Các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn xã, phường, thị trấn triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật về trẻ em phù hợp với tình hình cụ thể tại mỗi địa phương.
Trong đó, Sở Y tế Nghệ An ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành tạm thời quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị, hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại; chỉ đạo xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em. Xây dựng đề án củng cố và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho trẻ em.
Công an tỉnh Nghệ An kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo công an các cấp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, không để tác động, hình thành nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, đặc biệt là lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em.
Trong năm 2023, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, chủ động giải quyết ngay từ cơ sở đối với các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, bạo lực học đường. Phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân các cấp bảo đảm chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tội phạm xâm hại trẻ em; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị, khởi tố xâm hại trẻ em. Cơ quan điều tra các cấp trong Công an tỉnh Nghệ An đều áp dụng các quy trình, biện pháp điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục.
Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài. Chỉ đạo Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan kịp thời giải quyết những vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em...
Có thể thấy, bằng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là tiền đề để bước sang năm 2024, các cấp, các ngành, các tổ chức và địa phương trong tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa nhằm ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị xâm hại; kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; giúp đỡ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và số trẻ em vi phạm pháp luật...
Chí Tâm
TAG: