Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
(LĐXH)-Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Quán triệt quan điểm ưu tiên hàng đầu cho trẻ em, những năm qua, hoạt động này đã được tỉnh Nghệ An chú trọng thực hiện, trong đó tỉnh đã thực hiện tốt Luật Trẻ em, Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030.
Trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn và cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở khối, xóm, bản. Phổ biến các số điện thoại nóng như: 111 (Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em);1800.599.963 (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tỉnh); 02383.658.999 (Trung tâm tư vấn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh) để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đồng thời, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 06/6/2023 ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh. Tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề: “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”; ký cam kết "Mùa hè an toàn cho trẻ em"; tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2023 với chủ đề: “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” từ cấp huyện đến cấp tỉnh.
Đặc biệt, Sở đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình về chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở các địa phương như mô hình “Diễn đàn trẻ em” tại huyện Diễn Châu và Làng trẻ em SOS Vinh; mô hình “Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em” tại huyện Yên Thành; mô hình “Phòng chống xâm hại trẻ em” tại huyện Hưng Nguyên, huyện Anh Sơn. Phát huy hiệu quả các mô hình “Phòng chống đuối nước trẻ em” tại huyện Nam Đàn và thị xã Hoàng Mai. Cùng với đó, 21 huyện, thành, thị đã xây dựng và duy trì được mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”; “ Cộng đồng an toàn”,“Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi”. Các lớp truyền thông, tập huấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được duy trì, tổ chức tại cơ sở. Vì vậy, so với cùng kỳ năm 2022, số trẻ em bị đuối nước, tai nạn thương tích giảm cả về số vụ và số trẻ, các quyền cơ bản của trẻ em được đảm bảo. Tính đến 31/10/2023, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ/44 trẻ em đuối nước, giảm 3 vụ/3 cháu (giảm 11% số vụ và 7% số trẻ tử vong ); có 14 vụ/ 15 trẻ bị tử vong do tai nạn giao thông, cháy nổ, điện giật, chó dại cắn; 01 vụ/ 03 trẻ bị thương nặng do cháy nổ và 01 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 3 vụ/2 cháu (giảm 18% số vụ và 12% số trẻ tử vong); 24 vụ/24 trẻ em bị xâm hại tình dục trẻ em tại các địa phương, giảm 11,2% về số vụ, 11,2 % về số trẻ em bị xâm hại (Năm 2023: hiếp dâm 02 vụ/ 2 trẻ ; cưỡng dâm 01 vụ/01 trẻ, dâm ô 10 vụ/10 trẻ, giao cấu 11 vụ/11 trẻ; năm 2022: hiếp dân 09 vụ/ 09 trẻ ; dâm ô 12 vụ/12 trẻ, giao cấu 09 vụ/09 trẻ); 12 vụ bạo lực học đường trong nhà trường , giảm 57% số vụ (năm 2022: 28 vụ), 24 vụ bạo lực học đường ngoài nhà trường , tăng 41% số vụ (năm 2022: 17 vụ).
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được duy trì, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có 14.104 em được tặng quà, số tiền 7.472,710 triệu đồng; trao tặng đồ ấm cho 800 trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi tại 04 huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương. Việc huy động nguồn lực theo Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 của UBND tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã huy động tiền và hiện vật trị giá trên 20 tỷ đồng (đạt 131,92% kế hoạch năm, tăng gần 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022) hỗ trợ cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi trên địa bàn tỉnh. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh năm 2023 đã thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho 12.111 trẻ, hỗ trợ giáo dục cho 20.447 trẻ, hỗ trợ bảo vệ trẻ em cho 491 trẻ, hoạt động hỗ trợ trẻ em tham gia phát triển cho 4.720 trẻ. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp từ 96% năm 2022, lên 97% năm 2023.
Theo đánh giá, một số huyện, đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Thị xã Hoàng Mai, các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Con Cuông. Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2024, tỉnh Nghệ An phấn đấu đạt tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp là 98%, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em là 76,9%. Hiện tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em. Tiếp tục làm tốt công tác huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Phát huy, nhân rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở để trẻ em được sống, vui chơi và học tập trong môi trường an toàn và đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn./.
Nhật Hằng
TAG: