Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Nghệ An: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
10:11 AM 15/08/2017
(LĐXH) - Thời gian qua, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), xây dựng các Đề án đào tạo lao động kỹ thuật, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, phân luồng, hướng nghiệp và đào tạo dạy nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT.
Tạo việc làm cho lao động nông thôn (Ảnh: Internet)
Là một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, hàng năm, Nghệ An có số lượng lớn người lao động tham gia vào thị trường lao động, vì vậy các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững và hội nhập quốc tế được các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và đạt hiệu quả đáng kể.
Hiện, toàn tỉnh có 63 cơ sở GDNN (gồm: 05 trường Cao đẳng (02 trường trực thuộc Trung ương), 08 trường Trung cấp, 22 Trung tâm Dạy nghề và 28 cơ sở có tham gia đào tạo nghề) đào tạo 42 ngành nghề . Trong đó, có 03 cơ sở GDNN được Chính phủ lựa chọn đầu tư xây dựng trường nghề chất lượng cao, 13 cơ sở được Bộ Lao động- TBXH chọn đầu tư nghề trọng điểm. Giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 404.562 lượt người (công lập: 167.892 người; ngoài công lập: 236.670 người), đào tạo trình độ cao đẳng: 22.898 người; trung cấp: 41.413 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên: 340.251 người. Trong đó, 11.521 lao động được đào tạo các nghề trọng điểm, gồm: cấp độ Quốc tế: 4.209 người; cấp độ khu vực ASEAN: 2.182 người và cấp độ Quốc gia: 5.130 người  và  41.654 lao động nông thôn đào tạo nghề theo Quyết định 1956.
Từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế các vùng trên địa bàn tỉnh, năm 2016, toàn tỉnh đã tuyển sinh được 110.500 lao động, số lao động sau tốt nghiệp cao đẳng nghề có việc làm đạt 90%; trung cấp nghề đạt 85,3%. Số lao động chủ yếu làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Số lao động tốt nghiệp các nghề như: hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch, công nghệ ô tô, xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng,... có việc làm đạt 100%. Các lao động học xong sơ cấp và dạy nghề thường xuyên có việc làm, chuyển đổi việc làm và xuất khẩu lao động đạt 79%. Kết quả đó đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về chỉ số đào tạo lao động cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng 21 bậc trong giai đoạn 2012-2016 và tăng 13 bậc (năm 2016 ) so với cả nước.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh đã chú trọng đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh đã cấp 1.652 tỷ đồng, đầu tư theo hướng tập trung, đồng bộ, ưu tiên cho các nghề trọng điểm của các cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN luôn cập nhật, bổ sung, đổi mới  chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp yêu cầu thị trường lao động. Xây dựng, chỉnh sửa 12 bộ chương trình, giáo trình đào tạo cao đẳng nghề; 15 bộ chương trình, giáo trình đào tạo Trung cấp nghề. Một số cơ sở đào tạo đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp tiên tiến, phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của các doanh nghiệp...
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề thông qua các các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Đến nay, có trên 1.600 giáo viên trong các cơ sở GDNN, tăng 241 người so với năm 2011, trong đó, số người có trình độ trên đại học 847; đại học 657; cao đẳng 46; trung cấp và trình độ khác 52; 93,8% giáo viên đạt chuẩn về trình độ kỹ năng dạy nghề.
Thực hành máy tính tại trường Trung cấp nghề KT-KT Đô Lương (Ảnh: Báo Nghệ An)
Ngoài ra,  các cơ sở GDNN còn xúc tiến quan hệ hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo. Trong đó, liên kết với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Úc, Nhật Bản, Thụy sĩ, Đức để thu hút đầu tư; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập nhằm tiếp cận cộng nghệ mới, kỹ thuật cao và làm việc ở nước ngoài...
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở GDNN trong tỉnh sẽ chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ sở giáo dục để tuyên truyền tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; tăng cường liên kết với doanh nghiệp tổ chức đào tạo theo hợp đồng, đào tạo có địa chỉ và theo đơn đặt hàng, đồng thời bổ sung, điều chỉnh các quy định về chính sách, định mức kinh phí, danh mục nghề, kế hoạch đào tạo, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GDNN.../.

Ng. Ngọc
TAG:
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo