Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, sáng 3/1/2025, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 305, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, sáng 3/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 305, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Chỉ số AQI của Hà Nội ở mức "nguy hiểm” và là thành phố ô nhiễm nhất trong sáng 3/1. Tại Hà Nội, có 2 trạm đo ở quận Tây Hồ và trung tâm ghi nhận chỉ số AQI màu nâu "nguy hiểm" lần lượt ở mức 309 và 302.
Đứng thứ 2 về mức độ ô nhiễm tại Việt Nam sau Hà Nội là Hải Phòng, với chỉ số AQI ở mức 282.
Ngoài Hà Nội ghi nhận ô nhiễm ở mức màu tím "rất không tốt cho sức khỏe con người", Thái Bình có chỉ số AQI ở mức 274, Bắc Giang và Hải Dương, lần lượt 249 và 247.
Theo IQAir, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới, Air Quality Index – AQI là chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày, sử dụng tương tự như thước đo để đánh giá không khí xung quanh sạch sẽ hay ô nhiễm, ô nhiễm mức độ cao hay thấp.
Các chất ô nhiễm không khí được đo bằng AQI gồm: bụi mịn PM2.5; PM10; carbon monoxide; lưu huỳnh dioxide...
Chỉ số chất lượng không khí dao động từ 0 đến 500, chất lượng không khí có thể vượt quá 500 khi có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm cao hơn.
Xếp hạng chất lượng không khí sáng 3/1/2025 theo chỉ số AQI.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Xuân Thủy