An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Nâng cao trách nhiệm của các bên trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
03:10 PM 29/01/2019
(LĐXH) - Trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu này cùng với những đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước về lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được quan tâm đầy đủ hơn, điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động từng bước được cải thiện; nhiều ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ như khai khoáng, điện đã giảm tần suất TNLĐ.
Ông Hà Tất Thắng (bên trái) trao giải cho các thí sinh có phần thi xuất sắc tại Hội thi “Người làm công tác An toàn, vệ sinh lao động giỏi năm 2018”
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đặt ra những thách thức mới về ATVSLĐ; nhiều nguy cơ, rủi ro mới về ATVSLĐ cùng với tình hình TNLĐ, BNN vẫn có diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.
Để tăng cường công tác ATVSLĐ, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện công tác này. Ngay từ khi Luật có hiệu lực, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, cụ thể: Chính phủ đã ban hành các Nghị định: Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc và Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ; Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động; Nghị định 44/2017/NĐ-CP Quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Việc giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0.5% năm 2018 đã giúp các doanh nghiệp giảm đóng khoảng 4000 tỷ đồng; ngân sách nhà nước giảm đóng khoảng 1.000 tỷ đồng). Cùng với đó, đã ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật và nghị định. Trong năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động. Qua đó, đã cắt giảm hơn 64% điều kiện kinh doanh và đơn giản thủ tục hành chính về ATVSLĐ (Theo tính toán mỗi năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội gần 400 tỷ đông).
Bên cạnh đó, Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ và Hội đồng cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã tổ chức 02 Phiên đối thoại. Qua đó, các Bộ, ngành nắm bắt được những vướng mắc trong thực hiện chính sách ở các địa phương, doanh nghiệp để thay đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động, góp phần rất lớn để thúc đẩy, lan tỏa chính sách ATVSLĐ đến địa phương, doanh nghiệp, người lao động trong cả nước.
Các hoạt động huấn luyện, tư vấn, hỗ trợ xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ được quan tâm triển khai thực hiện. Trong khuôn khổ khổ Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020, đến nay đã có trên 4.500 doanh nghiệp được tư vấn, xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ; trên 60 nghìn người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ; trên 40 làng nghề, 600 hợp tác xã, trên 50 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2.000 hội viên nông dân làm các nghề độc hại, nguy hiểm... được hỗ trợ phổ biến thông tin ATVSLĐ thường xuyên.
Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến Luật và huấn luyện về ATVSLĐ được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới. Năm 2018, tiếp tục tổ chức thành công Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 2 với chủ đề “Chủ động các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp” đã nhận được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, 63/63 địa phương, doanh nghiệp trên cả nước; Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về ATVSLĐ thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ đã được triển khai tốt, thu hút nhiều doanh nghiệp và hàng nghìn người lao động trực tiếp tham gia. Trong đó Hội thi người làm công tác ATVSLĐ giỏi với sự tham gia của 80 thí sinh đại diện cho hơn 250.000 người lao động đến từ 5 tập đoàn, doanh nghiệp lớn có các ngành nghề có nhiều nguy cơ, rủi ro về TNLĐ, BNN như Than, Điện, Dầu khí, Samsung Electronics Việt Nam đã góp phần lan tỏa và truyền tải các thông điệp ATVSLĐ tới hàng nghìn người lao động.
Hoạt động tuyên truyền, huấn luyện đến khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động đã được quan tâm, chú trọng. Trong năm đã xây dựng các bộ đĩa phát thanh các chuyên đề về ATVSLĐ phù hợp trong khu vực phi kết cấu để phát trên hệ thống các đài phát thanh xã, phường, thôn, làng nghề tới người dân; triển khai tập huấn, tư vấn cải thiện điều kiện ATVSLĐ đối với 02 làng nghề là Đúc đồng và Gỗ mỹ nghệ tại Hưng Yên, bước đầu đã ghi nhận được một số kết quả cải thiện đáng kể, hướng tới mục tiêu mỗi hộ gia đình có từ 5-7 cải thiện.
Công tác thanh tra được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, Cục An toàn lao động đã chủ động tổ chức triển khai thanh tra theo kế hoạch tại 51 doanh nghiệp. Qua thanh tra đã ban hành 133 kiến nghị yêu cầu các đơn vị khắc phục sai phạm; ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 35 triệu đồng; Phối hợp cùng Thanh tra Bộ thanh tra 29 đơn vị hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ và huấn luyện ATVSLĐ. Qua thanh tra đã lập lập biên bản vi phạm hành chính đối với 10/29 đơn vị; Tham mưu ra Quyết định thu hồi giấy chứng nhận hoạt động huấn luyện ATVSĐ 01 đơn vị và thu hồi giấy chứng nhận hoạt động kiểm định KTAT 01 đơn vị; yêu cầu các đơn vị vi phạm nghiêm trọng thu hồi Giấy chứng nhận huấn luyện, biên bản kiểm định cấp kỹ thuật ATLĐ cấp sai thẩm quyền, ngoài nội dung hoạt động hay do vi phạm qui định của pháp luật.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động cần thực hiện các giải pháp sau:
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật ATVSLĐ. Trong năm 2019, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị định bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; sửa đổi Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH qui định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; thông tư xác định nghề nặng nhọc, độc hại; hoàn thiện sửa đổi qui định cho hoạt động phòng ngừa từ quỹ TNLĐ-BNN để giúp ngăn chặn TNLĐ-BNN. Sơ kết thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai Nghị quyết 36a của Chính phủ điện tử; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong triển khai, thực hiện các chế độ, chính sách về ATVSLĐ, từng bước hạn chế việc công chức viên chức trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực cấp phép, giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế nhũng nhiễu, thực hiện tốt hơn các chế độ một cửa công việc cho doanh nghiệp, công dân.
Tiếp tục đổi mới và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan; Tổ chức có hiệu quả các hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về ATVSLD trên các công cụ số, internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội; mở rộng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ cho người lao động trong khu vực phi kết cấu.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm để ngăn ngừa TNLĐ. Thanh tra các tổ chức huấn luyện, kiểm định có vi phạm trong hoạt động huấn luyện, kiểm định để kịp thời xử lý, nâng cao chất lượng và tạo sự công bằng trong các tổ chức dịch vụ này.
Đối với người sử dụng lao động
Phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật ATVSLĐ và các chế độ, chính sách bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định; chủ động rà soát, đánh giá rủi ro, áp dụng các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây TNLĐ, BNN. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động huấn luyện, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ tại doanh nghiệp, cơ sở. Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo TNLĐ, BNN, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng.
Đối với người lao động
Cần nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ nghiêm các qui trình, nội qui làm việc an toàn tại nơi làm việc; chủ động và tích cực tham gia cùng với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp, sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát. Người lao động trong khu vực phi kết cấu, lao động tự do cần chủ động, tích cực phối hợp với UBND cấp huyện, xã để được thông tin, tư vấn, tập huấn về  ATVSLĐ; tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng trước hết là bảo vệ sức khỏe tính mạng của chính bản thân họ, đem lại hạnh phúc cho gia đình, góp phần phát triển doanh nghiệp, và xã hội./.

TS Hà Tất Thắng

Cục trưởng Cục An toàn lao động

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững