Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm ở Sơn La
01:53 PM 14/08/2019
(LĐXH) Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội, để nâng cao chất lượng phòng, chống mại dâm, tỉnh Sơn La triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm và giảm thiểu những hệ lụy của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.
Trong những năm gần đây, kinh tế-xã hội của tỉnh Sơn La đã có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao đời sống của người dân vẫn còn gặp khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, vẫn còn những phong tục tập quán lạc hậu, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ. Các đối tượng thường sử dụng các trang mạng xã hội, kết bạn làm quen với các phụ nữ trẻ rồi rủ đi chơi hoặc hứa sẽ lấy làm vợ và lừa bán sang Trung quốc. Để đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả nạn mại dâm, tình trạng buôn bán người ở các xã, bản vùng cao, khu vực biên giới cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà hàng Karaoke và cơ sở massage; nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn... Hoạt động mại dâm chủ yếu là hoạt động nhỏ lẻ, không hình thành các điểm, tụ điểm, không hình thành các đường dây, bảo kê. Tuy nhiên, tại địa bàn trung tâm thành phố, các thị trấn còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm; hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, với nhiều phương thức, thủ đoạn như: lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ karaoke, xông hơi massage...) để tuyển nhân viên vào làm việc và khi khách có nhu cầu mua dâm thì tổ chức mua, bán dâm ngay tại cơ sở kinh doanh hoặc đến các địa điểm khác để thực hiện hành vi bán dâm. Hoạt động mại dâm thường được các chủ cơ sở kinh doanh hoặc đối tượng môi giới hoặc người bán dâm thỏa thuận trước với khách mua dâm về giá cả, địa điểm để thực hiện hoạt động mua bán dâm...
Trước thực trạng đó, trên cơ sở kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2018 của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương. Nổi bật, là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được các đơn vị quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Hoạt động truyền thông được triển khai thông qua nhiều hình thức, như: tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền lưu động, tập huấn, đưa tin bài trên phương tiện thông tin đại chúng và phát hành các ấn phẩm... Nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm; tác hại của mại dâm; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội... qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống tệ nạn mại dân. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh đã củng cố, duy trì hoạt động của 17.493 nhóm liên gia tự quản, 3.206 tổ an ninh nhân dân, 3.315 tổ hòa giải, 7 ban bảo vệ dân phố, 102 tổ bảo vệ dân phố trong toàn tỉnh đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự ngay ở cơ sở, không để tệ nạn xã hội phát sinh.
Cùng với đó, công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra được các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh nhằm quản lý và nắm chắc địa bàn, trong đó tập trung vào các địa bàn có tình hình phức tạp về tệ nạn xã hội và địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; tổ chức tuần tra, nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện và báo cáo các vi phạm, biểu hiện vi phạm pháp luật trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm để có biện pháp xử lý; thường xuyên rà soát, quản lý tạm trú, tạm vắng tại địa bàn và quản lý những đối tượng có biểu hiện hoặc dư luận của nhân dân về liên quan đến hoạt động mại dâm, từ đó kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa không để hoạt động mại dâm phát sinh ở địa bàn quản lý.
Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm của tỉnh, cấp huyện và lực lượng công an đã rà soát, thống kê, nắm tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm để xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất. Từ năm 2017 đến nay, đã tiến hành kiểm tra trên 740 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Qua kiểm tra đã nhắc nhở 17 cơ sở về chế độ thông tin báo cáo; xử lý 81 trường hợp, phạt hành chính 124 triệu đồng. Công tác đấu tranh xử lý tội phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm được lực lượng Công an tập trung điều tra, phân loại, lên kế hoạch rà soát, truy quét, triệt phá các hoạt động liên quan đến tệ nạn mại dâm tại các địa bàn. Đã tổ chức truy quét, triệt phá, xử lý  20 vụ với 88 đối tượng liên quan, trong đó khởi tố 11 vụ, xử phạt hành chính 9 vụ; xét xử 14 vụ với 17 bị cáo liên quan đến tệ nạn mại dâm, đúng người, đúng tội, mang tính răn đe cao... Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương sẽ hạn chế thấp nhất tệ nạn mại dâm hoạt động và phát sinh thêm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động mại dâm, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cùng với đó thực hiện tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa bỏ mặc cảm, hỗ trợ học nghề và bố trí việc làm để họ ổn định cuộc sống./.

Minh Anh
 
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật