An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về An toàn, vệ sinh lao động
04:58 PM 17/01/2020
(LĐXH) – An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, là những chính sách lớn, xuyên suốt luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng và quan tâm và là một trong bốn trụ cột của việc làm bền vững, thuộc quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Nhận định được những thách thức cũng như ý nghĩa chính trị, xã hội và lợi ích của công tác ATVSLĐ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản đề cập đến việc tạo việc làm, gắn với cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Việt Nam hiện có khoảng 800 ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và 2,3 triệu hộ sản xuất kinh doanh. Tuy quy mô nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với một số ngành có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) như xây lắp, cơ khí, điện, chế tạo. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với thế giới và chỉ có một tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ tiên tiến. Sản xuất tại các khu vực làng nghề, kinh tế hộ, khu vực nông nghiệp tuy có phát triển nhưng với công nghệ lạc hậu, chưa được cải thiện, lao động thủ công còn nhiều; hiểu biết của người lao động cũng như người dân còn nhiều hạn chế; người dân cũng chưa có cơ hội tiếp cận nhiều với các kiến thức về ATVSLĐ, dự báo nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ trong các khu vực này vẫn gia tăng.
Với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ tới khu vực không quan hệ lao động, chúng ta đã có nhiều gắng trong việc thiết lập duy trì, triển khai các hoạt động ATVSLĐ theo quy định của pháp luật phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về ATVSLĐ, trong cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động thông qua các hoạt động thiết lập bộ máy quản lý nhà nước về ATVSLĐ từ Trung ương, đến cấp cơ sở ở địa phương như xã, phường, thị trấn; duy trì thường niên cơ chế đối thoại của Hội đồng quốc gia, Hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ; xây dựng thiết chế về thanh tra lao động (trong đó có ATVSLĐ), các cơ sở hoạt động dịch vụ ATVSLĐ như huấn luyện, kiểm định, quan trắc môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe; xây dựng và duy trì các thiết chế bảo hiểm TNLĐ, BNN; tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ đến doanh nghiệp, người lao động và quần chúng nhân dân lao động...
Đối thoại định kỳ năm 2019 của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng xây dựng Chính phủ điện tử, công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực; phục vụ có hiệu quả và cho được nhiều đối tượng hơn. Hệ thống cung cấp thông tin, phổ biến văn bản pháp luật thay đổi theo sự phát triển đa dạng của các phương tiện thông tin hiện đại. Mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ sử dụng các tính năng của mạng xã hội để truyền tải thông tin giữa cơ quan quản lý, người sử dụng lao động, người lao động, giúp cho doanh nghiệp và người lao động dễ dàng tiếp cận cũng như phản hồi thông tin được nhiều hơn. Số người được thông tin, huấn luyện ATVSLĐ tăng hàng năm nhờ cơ chế xã hội hóa các hoạt động huấn luyện. Giai đoạn 2011-2015, mỗi năm có khoảng 500 ngàn đến 1,1 triệu người được tuyên truyền, phổ biến thông tin và huấn luyện; sang giai đoạn 2016-2018, số lượt người huấn luyện do các tổ chức huấn luyện ATVSLĐ huấn luyện vào khoảng 1,2 đến 2,1 triệu người. Ngoài ra, năm 2018 các doanh nghiệp, tổ chức cũng tự tổ chức huấn luyện cho khoảng 5 triệu lượt người. Đến nay, có hơn 400 tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện về ATVSLĐ góp phần đáng kể vào việc truyền tải các thông tin, kiến thức về ATVSLĐ.
Nhờ cơ chế xã hội hóa các hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, số tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn tăng từ 30 tổ chức lên 90 tổ chức; việc tiếp cận dịch vụ kiểm định của cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng và thuận tiện. Số tổ chức chứng nhận hợp quy được thành lập đến nay là 19 tổ chức. Tổng số các thiết bị được kiểm định tăng từ trên 500 ngàn thiết bị được kiểm định/năm lên khoảng 3 triệu thiết bị/năm.
Việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATVSLĐ trong sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã được chú trọng hơn, nhiều doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn về vệ sinh lao động (bụi, ồn, rung, vi khí hậu, hơi khí độc…) đã được đặt ra ngay từ khâu thiết kế, thi công công trình, nhà máy. Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong các doanh nghiệp cơ bản đều được kiểm định trước khi sử dụng. Việc áp dụng các giải pháp kiểm soát yếu tố nguy hiểm có hại, biện pháp về phòng ngừa TNLĐ, BNN, sự cố kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp quan tâm và có sự đầu tư mới nhiều giải pháp tiến tiến nhằm cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc trong nhiều lĩnh vực: Dầu khí, hóa chất, điện, khai thác mỏ, điện tử, dệt may, da giầy… Hầu hết doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều xây dựng hệ thống nội quy, quy trình ATVSLĐ đối với công việc, nơi làm việc, máy thiết bị trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế vào quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp, như: tiêu chuẩn ISO 14000, ISO 45001, SA 8000, OHSAS 18001...
Tai nạn lao động được kiểm soát và kiềm chế; phạm vi thống kê  TNLĐ được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động, số liệu thống kê ngày càng đầy đủ hơn, cộng thêm sự gia tăng về quy mô lao động, sản xuất; đặc biệt trong một số ngành lĩnh vực như xây lắp, điện, cơ khí, khai khoáng, số tuyệt đối về TNLĐ có xu hướng gia tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng. TNLĐ xảy ra trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, trong các làng nghề, hộ sản xuất gia đình mới bắt đầu được thống kê, báo cáo từ 01/7/2016.
Tổng hợp tình hình TNLĐ giai đoạn 2008-2018 trong khu vực có quan hệ lao động và mở rộng ra khu vực không có quan hệ lao động từ 01/7/2016 cho thấy:

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

Số vụ

5.836

6250

5125

5896

6777

6695

6709

7620

7981

7.749

7.997

Số người bị nạn

6.047

6421

5307

6154

6967

6887

6941

7785

8251

7.907

8.229

Số vụ chết người

508

507

554

 504

552

562

592

629

799

648

972

Số người chết

573

550

601

574

606

627

630

666

862

666

1.039

(Nguồn: Thông báo tình hình TNLĐ – BLĐTBXH)
Bệnh nghề nghiệp trong 3 năm từ 2015-2017, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Số người mắc mới bệnh nghề nghiệp hàng năm vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Số mắc bệnh nghề nghiệp công dồn đến năm 2014 là 28.274 người, 2015 là 28.817 người, 2016 là 28.905 người, năm 2017 là 29.068 người. Số người mắc bệnh bụi phổi Silíc chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 74.%.  Do nhiều địa phương chưa có hệ thống y tế khám và phát hiện, theo dõi bệnh nghề nghiệp, vì vậy số người bị mắc bệnh nghề nghiệp trong thực tế ước tính cao hơn so với số liệu thống kê được.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ cũng còn những hạn chế và yếu kém: Việc thực thi pháp luật ATVSLĐ ở các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động còn chưa nghiêm và đang có những vấn đề bất cập. Tình trạng vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm ATVSLĐ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn khá phổ biến; có nơi, có lúc nghiêm trọng, dẫn đến đình công hoặc xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng. Việc đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện các biện pháp phòng chống TNLĐ, BNN ở phần lớn các doanh nghiệp chưa được quan tâm và coi trọng đúng mức, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh của tư nhân, các hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình. Nhận thức của một bộ phận lớn người sử dụng lao động, người lao động, của các cấp, các ngành còn chưa coi trọng công tác ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSLĐ chưa được triển khai mạnh mẽ xuống đến tận xã, phường, thị trấn; khả năng kiểm soát, giám sát ATVSLĐ của các cơ quan chức năng Nhà nước cũng còn nhiều hạn chế. Cơ chế khuyến khích việc thực hiện công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp chưa thực sự trở thành động lực. Bộ máy quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, lao động đang có sự bất cập giữa chức năng, nhiệm vụ với biên chế và trình độ cán bộ nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Hệ thống Thanh tra lao động tuy luôn được kiện toàn nhưng vẫn còn hạn chế về năng lực nghiệp vụ, thiếu các cán bộ chuyên ngành am hiểu về kỹ thuật...
Hạn chế, yếu kếm trong công tác ATVSLĐ nêu trên xuất phát từ nguyên nhân: Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác ATVSLĐ chưa đầy đủ; chưa thấy hết ý nghĩa, vai trò của công tác ATVSLĐ, tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động; có nơi chỉ coi trọng vấn đề kinh tế nhưng chưa thấy đầy đủ mối tương quan giữa vấn đề kinh tế và xã hội để giải quyết hài hòa mối quan hệ này, đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhận thức của một bộ phận lớn người sử dụng lao động, người lao động còn chưa coi trọng công tác ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSLĐ chưa được đẩy mạnh thường xuyên nhất là cấp xã, doanh nghiệp. Ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác ATVSLĐ gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng trong điều kiện nhu cầu phát triển ngày càng tăng, phạm vi, đối tượng điều chỉnh bắt buộc của Luật ATVSLĐ mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động. Phạm vi, nhiệm vụ quản lý tăng, đội ngũ người làm công tác ATVSLĐ ngày càng giảm, còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác thống kê, báo cáo định kỳ về ATVSLĐ (TNLĐ, BNN, kiểm định, huấn luyện) còn nhiều hạn chế, chưa ứng dụng lợi thế của công nghệ thông tin; số liệu thống kê, báo cáo chưa sát với thực tế dẫn đến dự báo tình hình chưa sát, công tác quản lý, giám sát trong tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới cần có những giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ. Trong đó cần chủ động cập nhật tình hình biến động sự phát triển kinh tế, xã hội trong môi trường quốc tế để đề xuất các tiếp cận phù hợp trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Những công việc mà khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp làm được, cần mạnh dạn giao; Nhà nước chỉ tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách. Nghiên cứu, có các chính sách đột phá phù hợp với tình hình mới trong điều kiện nền kinh tế thị trường từ bài học xã hội hóa huấn luyện, kiểm định hay các cơ chế phòng ngừa của quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, đặc biệt là các quy định thúc đẩy xã hội hóa huấn luyện, hỗ trợ hoạt động huấn luyện ATVSLĐ từ quỹ bảo hiểm xã hội; hướng tới kiểm soát các chất lượng hoạt động  huấn luyện, kiểm định, đặc biệt chú trọng vào kiểm soát quá trình.
Chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, phương tiện khác nhau, đặc biệt là các công cụ mạng xã hội, fanpage, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác, kịp thời, mang tính thời sự. Sử dụng triệt để lợi thế thông tin điện tử trong trao đổi và chia sẻ thông tin; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền ATVSLĐ qua hệ thống đài truyền thanh xã phường, thị trấn. Tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí phụ trách lĩnh vực của ngành thông tin về ATVSLĐ. Chú ý tập trung hơn vào một số mặt còn yếu, đó là các hoạt động nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp và ngư dân các vùng duyên hải. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu thông tin về ATVSLĐ quốc gia, chuyển từ các hình thức thông tin truyền thống sang thông tin điện tử, kể cả trong công tác thống kê, báo cáo ATVSLĐ; xây dựng, cung cấp miễn phí các tài liệu huấn luyện ATVSLĐ. Tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tri thức quốc tế về ATVSLĐ. Tăng cường tổ chức đối thoại chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc từ thực tế để pháp luật đi vào cuộc sống. Phổ cập nội dung huấn luyện về ATVSLĐ vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện giáo trình chuyên đề về ATVSLĐ hoặc các cấu phần ATVSLĐ đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tự kiểm tra tại nơi làm việc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi  phạm về ATVSLĐ có thể gây TNLĐ, BNN.../.

Lê Tấn Dũng

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững