Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Nâng cao kỹ năng nghề cho lao động gặp khó khăn do COVID-19
08:33 AM 07/07/2021
(LĐXH)- Ngày 06/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu từ các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Rút gọn trình tự và thủ tục hỗ trợ
Ngày 01/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Mục tiêu của Nghị quyết tập trung chính vào việc hỗ trợ 2 đối tượng: người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Qua đó góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Tổng Cục trưởng Truogn Anh Dũng thông tin về chính sách hỗ trợ GDNN theo Nghị quyết 68/NQ-CP
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết: Trong số 12 chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thì có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực GDNN. Trong đó, có chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, tại Nghị quyết 68/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo và đang xin ý kiến của các bên liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định.
Để chủ động nắm bắt được các chính sách, cũng như quy trình, thủ tục hồ sơ và có kế hoạch triển khai hỗ trợ sớm cho các đối tượng, việc tổ chức hội nghị này nhằm thảo luận về những nội dung cần triển khai, phương án đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và quy định việc phối hợp với cơ sở GDNN để xây dựng phương án tổ chức.
Đại biểu dự hội nghị tham góp ý kiến về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động
Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, cho rằng: Khi Quyết định của Thủ tướng ban hành thì công khai chính sách hỗ trợ theo tinh thần đề ra là tinh giản tối đa các điều kiện, thủ tục để các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Duy trì việc làm cho người lao động
Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, chính sách hỗ trợ đào tạo sẽ duy trì việc làm cho người lao động. Cụ thể là: người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở GDNN có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. 
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, người lao động sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề để nâng cao trình độ kỹ năng
Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Như vậy, so với quy định của Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu. Các điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo duy trì việc làm cho người lao động đã được đơn giản hóa hơn, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và quy định việc phối hợp với cơ sở GDNN để xây dựng phương án tổ chức đào tạo.
Về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, dự thảo quy định: người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học.
Trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả. Thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.
Nhiêu đại biểu cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho người lao động phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả
Để chủ động nên kế hoạch triển khai các chính sách hỗ trợ, các tỉnh, thành phố căn cứ nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP phổ biến, quán triệt tới các đơn vị chuyên môn về trình tự, thủ tục và Trung tâm Dịch vụ Việc làm để triển khai; phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn, cơ sở GDNN.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN xây dựng phương án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động nhằm tránh việc lợi dụng chính sách; đào tạo không đúng kế hoạch, không đảm bảo chất lượng; đồng thời phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng, người học sau khi đào tạo được cấp chứng chỉ đào tạo, do cơ sở GDNN cấp.
Đối với các cơ sở GDNN cần chủ động, tăng cường liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đúng yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; gắn việc đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động. 

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng): Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, thị trường lao động
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững