Nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động tại huyện Thạch Thất, Hà Nội
(LĐXH)- Ngày 26/4/2024, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất, Hà Nội diễn ra Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Thạch Thất năm 2024 thu hút 30 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với 2.350 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh.
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức.
Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tham gia Phiên giao dịch việc làm có 30 đơn vị, với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động là 2.350 chỉ tiêu. Trong đó: nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động: 1.870 chỉ tiêu.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong số 30 doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Thạch Thất năm 2024 có 16 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm 53,3%. Ngoài ra còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Sản xuất, Du học - xuất khẩu lao động, Giáo dục đào tạo... Trong đó có một số doanh nghiệp, nhãn hàng có uy tín, như: Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Công ty Cổ phần sữa Quốc tế IDP, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, Công ty TNHH Manulife… cùng các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng các ngành nghề: Trưởng, phó các phòng ban; nhân viên kinh doanh, nhân viên quản lý chất lượng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên chăm sóc khách hàng, lái xe, kế toán…
Bên cạnh đó, tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm có hơn 400 chỉ tiêu tuyển sinh đa dạng các ngành nghề như: Chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế, sửa chữa ô tô, điện dân dụng, điện lạnh… và hơn 800 chỉ tiêu du học, xuất khẩu lao động các nước Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc...
Sự đa dạng về lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Thạch Thất năm 2024 phù hợp với nhu cầu tìm việc của người lao động địa phương sẽ tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm tại huyện Thạch Thất lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương.
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, huyện Thạch Thất có 23 xã thị trấn, diện tích đất tự nhiên trên 18.000ha, dân số 226.789 người. Trên địa bàn huyện có nhiều dự án lớn của Trung ương, Thành phố đã và đang triển khai như: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đô thị vệ tinh Hòa Lạc…
Huyện có 50/59 làng có nghề, trong đó có 10 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống; có 7 cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động. Có trên 2.000 doanh nghiệp và trên 17.000 hộ sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân; dịch bệnh khiến hàng nghìn người lao động bị mất việc làm, các doanh nghiệp cũng vì thế mà bị ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động vẫn còn những khó khăn rất lớn, người lao động khó tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu, các nhà tuyển dụng cần lao động nhưng vẫn còn thiếu thông tin, thiếu lao động kỹ thuật cao, việc tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề cũng gặp nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến công tác giải quyết vấn đề lao động, việc làm...
Vì vậy, phiên giao dịch và tư vấn việc làm hôm nay là một trong những giải pháp đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện Thạch Thất. Đây cũng là cơ hội cho người lao động ở Thạch Thất tìm kiếm được việc làm phù hợp với điều kiện và trình độ của mình; là nơi kết nối trực tiếp giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc.
Lãnh đạo huyện Thạch Thất và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tham quan khu vực tuyển dụng, tuyển sinh của các đơn vị, doanh nghiệp.
Ngoài ra, thông qua phiên giao dịch và tư vấn việc làm sẽ giúp các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm, trường đào tạo nghề tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển dụng, tuyển sinh.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Phiên giao dịch việc làm và tăng tỷ lệ kết nối cung - cầu đáp ứng giải quyết việc làm; đồng thời hỗ trợ người lao động trên địa bàn huyện Thạch Thất có nhu cầu tìm việc, trước khi diễn ra Phiên giao dịch việc làm, Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, nguyện vọng tìm việc của 2.241 người lao động trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Cụ thể, Ban Tổ chức đã tiến hành khảo sát trình độ chuyên môn kỹ thuật của 2.241 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Kết quả cho thấy: Người lao động có trình độ Đại học - Cao đẳng trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất với 889 người, chiếm 39,7%. Lao động có trình độ Trung cấp - công nhân kỹ thuật là 812 người, chiếm 36,2%; số còn lại là lao động có trình độ Trung học phổ thông với 540 người.
Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Đại học - Cao đẳng trở lên tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất: 787/1.870 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 42,1%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp - công nhân kỹ thuật: 632/1.870 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 33,8%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông: 451/1.870 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 24,1%.
Kết quả khảo sát phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất, khi nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm đại đa số.
Thông qua việc tổ chức Phiên giao dịch việc làm, Ban Tổ chức mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội và hiệu quả kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn huyện Thạch Thất. Đây cũng được coi là một trong số những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động Thành phố Hà Nội; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động về thông tin thị trường lao động, tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất và khu vực lân cận.
Thảo Lan