Quang cảnh Hội nghị giao ban tại Bến Tre.
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến hết tháng 8 năm 2017, cả nước có trên 900 ngàn người được đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đạt 54,5% kế hoạch. Ước thực hiện trong năm 2017 đào tạo 1,6 triệu người. Riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 8 tháng qua, cả nước đã có gần 700 ngàn lao động nông thôn được học nghề (đạt 63,6% kế hoạch năm 2017), trong đó khoảng 250 ngàn người được hỗ trợ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Hoạt động đào tạo nghề giúp nhiều người dân có nghề nghiệp, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo nghề cho lao động vẫn còn không ít tồn tại. Đó là hiệu quả dạy nghề cho lao động không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn ở một số địa phương còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại, dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao. Ngoài ra, tình trạng phân bổ kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các địa phương còn rất chậm. Điển hình như đến tháng 8 /2017, vẫn còn một số địa phương chưa phân bổ kinh phí như: Sơn La, Hải Dương, Thái Bình…
Thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tập trung tổ chức, thực hiện các nội dung về đào tạo nghề bảo đảm kế hoạch và nâng cao hiệu quả. Phấn đấu giai đoạn 2018 - 2020 tuyển sinh đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 5,5 triệu người; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 2,74 triệu lao động nông thôn, trong đó lao động nữ chiếm 40%, người khuyết tật chiếm 10%.
Nguyên Tuấn